Mục lục
Một số doanh nghiệp tập trung chi phí cho hoạt động thu hút khách hàng mới bởi lầm tưởng rằng đây là cách thức đơn giản, hiệu quả để gia tăng doanh thu. Tuy nhiên các số liệu đã chỉ ra 20% khách hàng thân thiết đem lại 80% doanh thu cho doanh nghiệp, trong khi chi phí thu hút 1 khách hàng mới đắt hơn từ 5-7 lần chi phí chăm sóc khách hàng hiện tại. Do vậy, hiện nay đầu tư cho hoạt động chăm sóc khách hàng cũ dần trở thành xu hướng hàng đầu được các doanh nghiệp ưa chuộng. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Getfly tìm hiểu 6 chiến lược giữ chân khách hàng hiệu quả cho doanh nghiệp nhé!
Cung cấp tài khoản cá nhân cho mỗi khách hàng
Tài khoản khách hàng lưu trữ lịch sử đơn hàng, thông tin giao hàng, địa chỉ nhận hàng giúp việc mua lặp lại trở nên dễ dàng và tối ưu hơn. Tuy vậy, chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ để quản lý và lưu trữ số lượng tài khoản này tương đối lớn. Mặt khác, việc thuyết phục khách hàng cung cấp thông tin và tạo tài khoản trên website hoặc nền tảng số của doanh nghiệp cũng là một khó khăn lớn bởi những lo ngại về vấn đề bảo mật.
Vậy làm thế nào doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả và khuyến khích sử dụng tài khoản khách hàng trong khi không gây ra những cản trở đối với khách hàng lần đầu tiên sử dụng? Bí quyết là hãy cung cấp cho khách hàng tùy chọn tạo tài khoản sau khi đơn hàng đầu tiên đã được đặt mua.
Cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng
Hệ thống chăm sóc khách hàng giúp doanh nghiệp lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của khách hàng cả trước – trong và sau quy trình bán hàng. Thông thường, một khiếu nại được giải quyết hiệu quả có thể biến một khách hàng không hài lòng thành một khách hàng trung thành với nhãn hàng và ngược lại.
Doanh nghiệp có thể ứng dụng những nền tảng trò chuyện trực tiếp hoặc công cụ chatbot để đảm bảo giải đáp kịp thời và nhanh chóng những thắc mắc của khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Mặt khác, để tạo nên những yếu tố Wow gia tăng sự thích thú và sự hài lòng của khách hàng với doanh nghiệp, bạn có thể gửi tặng khách hàng những món quà nhỏ tới khách hàng vào những dịp đặc biệt.
Xây dựng các chương trình khách hàng thân thiết
Các chương trình khách hàng thân thiết là một phương pháp hiệu quả để tăng tần suất mua hàng. Doanh nghiệp của bạn có thể khuyến khích khách hàng tham gia vào các chương trình khách hàng thân thiết bằng cách tích điểm thưởng thông qua tài khoản thành viên. Khi khách hàng thấy việc tích điểm đơn giản và thuận tiện, đi kèm với đó là những ưu đãi giá trị, họ sẽ có xu hướng quay trở lại mua hàng để có thêm điểm thưởng.
Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng
Cá nhân hóa cho phép doanh nghiệp tăng khả năng giữ chân khách hàng thông qua các trải nghiệm phù hợp được thiết kế riêng cho từng nhóm khách hàng. Doanh nghiệp có thể thực hiện điều này bằng cách thu thập dữ liệu về khách hàng phục vụ cho việc đưa ra đề xuất và điều chỉnh các chương trình khuyến mại để phù hợp với nhu cầu cá nhân của từng khách hàng.
Cá nhân hóa trải nghiệm cũng có thể đến từ những chi tiết rất nhỏ như gọi tên khách hàng trong email, SMS ưu đãi hoặc nắm được lịch sử mua hàng của khách hàng ngay khi nhận được cuộc gọi khiếu nại của họ,… sẽ khiến khách hàng cảm thấy rằng doanh nghiệp bạn đang thực sự quan tâm và thấu hiểu nhu cầu của họ từ đó yêu mến và tin tưởng vào thương hiệu của bạn hơn.
Gửi email tương tác với khách hàng
Email là kênh hiệu quả để xây dựng và thắt chặt mối quan hệ với khách hàng cả trước và sau khi họ mua sắm. Điều quan trọng là mỗi email bạn gửi phải tăng thêm giá trị cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng, nếu không, bạn sẽ có nguy cơ đánh mất khách hàng này.
Chẳng hạn, một tuần sau lần mua sắm đầu tiên của khách hàng, bạn hãy gửi email “hỏi thăm” tình trạng sử dụng sản phẩm của khách hàng, kèm lời cảm ơn họ đã mua hàng. Bạn nâng cao hiệu quả của email này bằng cách đề xuất các sản phẩm bổ sung phù hợp với đơn hàng trước đó của họ, thậm chí có thể bao gồm cả phiếu khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp của bạn.
Sau email đầu tiên, bạn hãy gửi cho khách hàng những email được cá nhân hóa thường xuyên, chẳng hạn gửi cho họ thông báo khi ra mắt sản phẩm mới, những gợi ý, hoặc các chương trình khuyến mãi đang diễn ra là những cách bạn có thể áp dụng để duy trì việc tương tác thường xuyên với khách hàng.
Trong tất cả các hoạt động tiếp thị sau bán hàng, hãy nhớ nhắc nhở khách hàng về lý do tại sao họ lựa chọn mua hàng từ thương hiệu của bạn ngay từ đầu, liên tục chứng minh cho họ thấy lý do tại sao việc tiếp tục đồng hành với bạn lại xứng đáng với thời gian và tiền bạc mà họ bỏ ra.
Cung cấp cho khách hàng các chiết khấu và tích điểm
Các chương trình giảm giá, tích điểm là con dao hai lưỡi. Một mặt, khi quyết định giảm giá sản phẩm/ dịch vụ, doanh nghiệp sẽ vô tình tham gia vào cuộc đua đường dài khiến khách hàng ngày càng mong đợi giảm giá, điều này dẫn đến việc tổn thất doanh thu cho doanh nghiệp của bạn. Khi biên lợi nhuận trở nên eo hẹp, việc chiết khấu thậm chí còn mang đến nhiều rủi ro hơn.
Tuy vậy, không thể phủ định đa phần khách hàng thích các chương trình giảm giá. Gửi mã giảm giá cho lần mua hàng tiếp theo sau khi họ hoàn thành đơn đặt hàng lần đầu là một cách tuyệt vời để khuyến khích họ quay lại. Vì lý do này, giảm giá cũng là một cách hiệu quả để thu hút những khách hàng đã lâu không quay lại mua hàng.
Trên đây là 6 bí kíp giữ chân khách hàng hiệu quả cho doanh nghiệp. Hy vọng những thông tin Getfly vừa chia sẻ sẽ giúp ích cho bạn trong việc thực hiện các chiến lược giữ chân khách hàng, nâng tầm giá trị thương hiệu đồng thời tối ưu hóa lợi ích của doanh nghiệp. Chúc các bạn thành công!
Tags: Giữ chân khách hàng, Kỹ năng chăm sóc khách hàng, nghệ thuật giữ chân