Những gã marketer tồ làm Marketing 1P đang đốt ngân sách và đốt luôn công ty của bạn

Những gã tồ làm marketing 1P này như là Donkihote thời hiện đại, một mình một thương lao vào cối xay gió ! Họ không chỉ đốt cháy ngân sách của công ty bạn mà còn có thể đốt cháy luôn cả công ty của bạn.

Những gã marketer tồ làm Marketing 1P đang đốt ngân sách và đốt luôn công ty của bạn
Những gã marketer tồ làm Marketing 1P đang đốt ngân sách và đốt luôn công ty của bạn

Marketing 1P là gì?

Marketing 1P là ám chỉ những người làm marketing chỉ thực hiện duy nhất 1 chữ P, đó chính là Promotion.

Cha đẻ của marketing hiện đại – ngài Phillip Kottler, người làm nên tên tuổi của hàng loạt những tập đoàn lớn của Mỹ nói rằng: “Để xây dựng mối quan hệ khách hàng thật tốt, các công ty không những phải phát triển một sản phẩm tốt, bán với giá hấp dẫn và đưa nó đến thị trường mục tiêu thông qua kênh phân phối mà còn phải truyền tải những tuyên bố giá trị của mình tới khách hàng qua xúc tiến hỗn hợp (Promotion). Chiến lược Promotion hay chiến lược xúc tiến hỗn hợp bao gồm: Quảng cáo, quan hệ công chúng, bán hàng cá nhân, khuyến mại và marketing trực tiếp.

Vậy thực hiện marketing 1P có gì là sai? Chẳng phải đây là những việc mà một marketer thường làm hay sao?

Cái sai đầu tiên chính là: marketing gồm nhiều chữ P hơn thế.

Có một thực tế ở Việt Nam, rất nhiều các công ty khởi nghiệp chỉ thực hiện marketing 1P. Họ không biết rằng, marketing có nhiều chữ P hơn thế. Marketing hiện đại 2.0 có 4Ps (Product, Price, Place, Promotion), và rồi một ngày, nhận ra rằng marketing ngành dịch vụ khác xa với marketing sản phẩm nên ngài Mc Carthy, cha đẻ của 4Ps đã thêm 3Ps (Physical Edividence, People, Process) vào tổ hợp các chữ P hay còn được gọi là tổ hợp Marketing Mix. Hiện nay, chúng ta đã có tổ hợp marketing mix 4Ps và tổ hợp marketing mix cho ngành dịch vụ gồm 7Ps.

Trước hết, bạn hãy đọc qua về 3 chữ P còn lại trong tổ hợp 4Ps

Product

Những marketer bạn tuyển về công ty có thực sự hiểu về sản phẩm của bạn? Họ có được huấn luyện, giới thiệu chuyên sâu hay làm các bài kiểm tra về sản phẩm của bạn?

Một sản phẩm thông thường gồm 3 cấp độ: giá trị cốt lõi của sản phẩm, sản phẩm hữu hình và sản phẩm gia tăng giá trị. Với Up-Coworking Space, sản phẩm cốt lõi chính là: một môi trường làm việc chuyên nghiệp như ở Silicon Valley dành cho các công ty khởi nghiệp và các freelancer ở Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội, cùng nhau làm việc, học hỏi và phát triển. Cấp độ thứ 2 chính là những gì bạn nhìn thấy tại UP Co-Working Space là những bộ bàn ghế, những phòng họp hiện đại… Cấp độ thứ 3, chính là những sản phẩm nhấn mạnh thêm giá trị cốt lõi của UP Co-Working Space, đó chính là những Event cung cấp những kiến thức vô cùng cần thiết và không thể thiếu cho các Start Up Việt Nam. Quay trở lại, nếu anh chàng marketer trong công ty bạn không lọc lõi về sản phẩm thì làm sao anh ấy có thể tạo ra những chiến dịch quảng cáo, quan hệ công chúng hiệu quả dành cho công ty bạn được, hãy kiểm tra marketer của bạn những kiến thức về sản phẩm ngay bây giờ !

Price

Những người làm marketing 1P thường không biết gì về GIÁ và có rất nhiều công ty khởi nghiệp chết vì… GIÁ. Các công ty, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp vô cùng thiếu những dữ liệu về thị trường để đưa ra một mức giá có lợi nhất cho sự phát triển của công ty. Một marketer nhạy cảm về giá, biết định giá, xây dựng các chiến lược giá có thể tham vấn cho người thủ lĩnh về cách đặt giá sản phẩm, đưa ra các chương trình khuyến mại đỉnh cao để mang lại cho công ty những nguồn lợi lớn. Một ví dụ đỉnh cao về giá mà những ngươi Việt Nam chúng ta có thể thấy chính là KFC. Đến Hà Nội vào năm 2006 cho đến thời điểm hiện tại, họ chỉ tăng giá 25%. Tuy nhiên, hãy nhìn giá của một bát phở Hà Nội, từ năm 2006 đến nay đã tăng gấp đôi.

Place

Sự khác biệt của một marketer giỏi chính là ở chiến lược kênh phân phối. Lấy ví dụ một sản phẩm Theme dành cho WordPress, tôi đã từng thấy một marketer sử dụng facebook và cả instagram để quảng cáo sản phẩm theme đó. Instagram có phù hợp với quảng cáo theme không? Những người làm trong ngành công nghệ chắc chắn rõ điều này. Một marketer khác, tôi thấy anh mang bộ theme đó lên trang themeforest, sử dụng các chiến lược seeding tài tình tại các group chợ theme và các forum công nghệ có tập khách hàng mục tiêu. Theo bạn markerter nào sẽ mang lại nhiều nguồn cài đặt, tiếp cận nhiều khác hàng mục tiêu hơn?

Không phải là cứ sử dụng tất cả các kênh quảng cáo, tất cả các công cụ marketing là một marketer giỏi, một marketer giỏi về kênh phân phối sẽ đưa sản phẩm của công ty bạn đến với những điểm tiếp xúc với rất nhiều khách hàng mục tiêu, cân đối giữa các chi phí phải bỏ ra và giúp cho sản phẩm của bạn luôn luôn sẵn sàng bất cứ khi nào khách hàng cần.

Vậy đấy, một người làm marketing 1P tốt có thể truyền tải những tuyên bố giá trị cho khách hàng của bạn, nhưng nếu họ không hiểu về sản phẩm của bạn, họ chẳng biết gì về cơ cấu giá, mức giá thị trường, và cuối cùng chả biết khách hàng của bạn ở đâu thì họ sẽ truyền tải cái gì và truyền tải đi đâu?

Điều sai thứ 2: Marketing gồm rất nhiều chữ cái

Điều sai thứ 2 của những người làm marketing 1P đó chính là bên ngoài tổ hợp marketing mix, thì marketing còn rất nhiều các chữ cái khác. Có một qui trình marketing truyền thống vẫn được sử dụng ở các Agency hay những công ty tư vấn giải pháp chiến lược marketing lớn trên toàn cầu. Đó chính tổ hợp marketing kinh điển: R – S,T,P – MM – I, C. Các chữ cái này chính là Research, Segmentation, Targeting, Positioning, Marketing Mix, Implementation, Control.

Phần Research – Nghiên cứu thị trường sẽ giúp cho công ty khởi nghiệp của bạn hiểu hơn về những cơ hội, thách thức đến từ phía thị trường cũng như những player cùng chơi với mình trên sân.

Sau khi Research họ bắt đầu chỉa nhỏ thị trường (Segmentation) thành các phần riêng biệt dựa trên các tiêu thức khác nhau như độ tuổi, giới tính, khu vực sống, mức lương cơ bản… Sau khi phân chia, họ chọn lấy một hay nhiều phần của thị trường để tấn công và chiếm lĩnh thị phần (Targeting). Iphone chọn phân khúc thị trường cao cấp, Samsung thì có Note7 phục vụ phân khúc cao cấp, A6 phục vụ phân khúc trung cấp và dòng J để phục vụ phân khúc thấp hơn. Công ty nào cũng lựa chọn sân chơi cho mình, mỗi sân chơi đều có những kẻ cùng chơi, mỗi người chơi đều có những sản phẩm khác nhau, có đặc điểm nổi bật riêng. Đó là chính lúc Positioning – Big P trong marketing xuất hiện.

Positioning – Định vị là một cuộc chiến trong tâm trí khách hàng, công ty nào định vị thành công vị trí của mình trong tâm trí khách hàng, công ty đó nắm chắc 80% phần chiến thắng. Bạn có biết Izy, Ktech, Krumpo, Sinsu … là gì không? Vậy bạn có biết KFC, Iphone, Coke là gì không ? KFC là gà rán, Iphone là smartphone, Coke là nước ngọt có ga. Nếu không có những chiến lược định vị tài tình thì chúng ta chẳng bao giờ biết được KFC, Iphone, hay Coke là gì, như những cái tên ở phía trên kia. Với những chiến lược định vị tuyệt vời, công ty khởi nghiệp của bạn không chỉ có một vị trí đứng đầu trong tâm trí khách hàng mục tiêu mà còn cả trên toàn thế giới. Big P – Định vị chính là kim chỉ nam, là la bàn chi phối mọi quyết định về Marketing Mix, và sản phẩm, về giá, kênh phân phối, các chiến lược xúc tiến hỗn hợp sau này.

Quay lại UP, nhiều người hỏi định vị của UP là gì ? Với tầm nhìn của anh Namster Do, tương lai, đến với UP mọi startup sẽ có nơi làm việc ngang tầm với những thành phố có điều kiện nhất trên thế giới như San Fran, New York, London… mà chỉ phải trả 500K/tháng/người.” Anh Namster Do và UP đang cố gắng làm điều đó dựa vào các chiến lược marketing mix của mình.

Cuối cùng là Implementation – Thực Thi và Control – Kiểm tra, điều chỉnh. Có lẽ chẳng cần phải nói thêm gì về 2 chữ cái còn lại này.

Với Start Up, hoặc người ngoài ngành, có thể bạn sẽ thấy quy trình R – S,T,P – MM – I, C có vẻ là quá rườm rà, phức tạp. Những hãy nghĩ một cách đơn giản và cùng nhìn đến mô hình Lean Start Up kinh điển, chúng không khác nhau là mấy.

Với những nhà khởi nghiệp, họ nhìn thấy cơ hội thị trường (Research), họ thấy được một tập khách hàng tiềm năng đang có một vấn đề chưa được giải quyết (S,T), họ đưa ra những ý tưởng, những giải pháp để giải quyết vấn đề đó (P) và rồi họ làm 1 cái MVP (Product) và đưa chúng tới những khách hàng ban đầu bằng Price, Promotion, Place. Cuối cùng, họ thực thi, đo lường và điều chỉnh chúng. Chẳng phải qui trình này gần giống như vòng tròn Xây dựng – Đo lường – Học hỏi của The Lean Start Up hay sao?

Kết luận.

Thay vì đi vào ma trận vô số những từ ngữ như Inbound marketing, content marketing, zalo marketing hay facebook marketing … để rồi vướng vào vòng xoáy đốt tiền của marketing 1P thì những nhà khởi nghiệp, những marketer trẻ nên đi về với đúng quĩ đạo của mình, hãy tìm hiểu về những qui trình, những kiến thức nền tảng cốt lõi của những Agency lớn, những công ty tư vấn chiến lược lớn trên thế giới hay làm. Công nghệ thay đổi, marketing cũng thay đổi ít nhiều tuy nhiên có những kiến thức nền tảng, cốt lõi thì vẫn còn nguyên giá trị. Trước khi đi sâu vào những thủ thuật, học sâu về các công cụ, hãy trang bị cho mình thật tốt những kiến thức nền tảng, để tránh làm sai phải sửa nhiều lần, để tránh học lâu, để tránh đốt tiền của công ty.

Nguồn UP