Hãy thử tưởng tượng mình đang ở trong một bữa tiệc. Nhạc nổi lên và lúc này mọi người đều ngại ngần không muốn ra nhảy. Thế nhưng, một khi đã có ai đó dẫn đầu, những người còn lại sẽ nhanh chóng theo đuôi và tham gia vào cuộc vui.
“Social Proof” hay còn gọi là “Informational social influence (tạm dịch: “hiệu ứng lan truyền thông tin”) là một hành vi trong marketing, được định nghĩa một cách tương đối như sau:
“Đây là một hiện tượng tâm lý khi con người tìm kiếm sự xác nhận, giả định và mô phỏng lại từ hành động của người khác trong một nỗ lực nhằm phản ánh hành vi của chính mình ở một tình huống xã hội nhất định. Hiệu ứng này thường nổi bật trong các tình huống xã hội không rõ ràng khi mà mọi người không thể xác định được cơ chế hành vi thích hợp, và họ bị thúc đẩy bởi giả định cho rằng những người xung quanh nắm bắt tình hình tốt hơn.”
Nói một cách dễ hiểu, con người thường có xu hướng tin tưởng những người đi trước, cụ thể là những người đã sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó và có những đánh giá về chúng. Những ý kiến này tuy xuất phát từ chủ quan nhưng lại gây nên được một sức ảnh hưởng nhất định tới số đông vốn đang e dè chưa muốn thử.
Như vậy, chỉ bằng vài dòng bình luận, những cái like và share tưởng như bình thường, các thương hiệu hoàn toàn có thể tận dụng tâm lý này của đám đông để thu hút cho mình một lượng khách lớn.
Để làm được điều này, các nhãn hàng thường cố gắng truyền đạt tới các khách hàng tiềm năng rằng họ sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời giống như những vị khách trước đó chia sẻ – những “bằng chứng” thuyết phục nhất và dễ gây ra hiệu ứng đám đông.
Trên thực tế, công việc này không quá khó khăn nếu bạn tham khảo những lời khuyên sau đây. Đây có thể là những kiến thức cơ bản nhưng sẽ giúp bạn hiểu rõ và tận dụng hiện tượng tâm lý “Social Proof” một cách hiệu quả nhất.
Chê hay khen đều có lợi
Đây là một chiêu thức không mới, nhưng hầu hết các thương hiệu chưa tận dụng được hết những ưu điểm của việc này, hoặc chưa biết cách thúc đẩy hay nhào nặn chúng một cách tốt nhất. Các nhãn hàng kêu gọi khách hàng phản hồi, nhưng thường để mặc những dòng bình luận cho dù tích cực hay tiêu cực. Trong khi đó, một chuyên gia marketing khôn ngoan sẽ nhận thấy, dù chê hay khen cũng đều có lợi.
Khen thì khỏi phải nói, đây là thời cơ để các nhãn hàng chia sẻ và lan truyền thông tin quảng bá cho sản phẩm của mình, nhưng chê nhiều khi cũng là một cách hay nếu thương hiệu biết coi đó là một bàn đạp để thay đổi cách nhìn của khách hàng.
Nhiều thương hiệu phản ứng trước những ý kiến chê bai của khách hàng một cách khôn khéo, thậm chí họ còn cố tình làm to chuyện lên, thu hút sự chú ý của dư luận rồi giải quyết chúng như một sự hiểu lầm vô tình, tuy nhiên vẫn tỏ ra thiện chí khi xin lỗi và đền bù cho người tiêu dùng. Qua đó, nhãn hàng càng trở nên nổi tiếng nhờ cách ứng xử hay và được lòng đám đông ngoài cuộc.
Các nhãn hàng hiện nay thường xuyên gửi email, tin nhắn trên facebook, gọi điện,… để kêu gọi khách hàng phản hồi và cho ý kiến. Hầu hết người tiêu dùng nói chung sẽ coi đó là cách mà các công ty cải thiện các sản phẩm và dịch vụ sao cho vừa ý họ, mà không hề hay biết mình đang bị lợi dụng để quảng bá cho thương hiệu đó.
Dựa hơi những kênh truyền thông uy tín
Một lần nữa, tâm lý đám đông lại phát huy tác dụng.
Khi khách hàng thấy thương hiệu của bạn được đăng trên những tờ báo nổi tiếng như The Wall Street Journal, The Economist, BBC, Bloomberg, New York Times,… phần lớn họ sẽ nghĩ rằng: “Chà, chắc chắn phải là những công ty tốt thì mới được đăng ở đó chứ.” Với một sự uy tín hàng đầu, các thời báo chính là “bằng chứng” sắc sảo nhất công nhận chất lượng của các thương hiệu.
Tuy nhiên, nếu chỉ quảng cáo hời hợt trên các trang báo điện tử và truyền hình, hình ảnh của các thương hiệu rất dễ bị trôi đi và lãng quên. Để có được hiệu ứng lan tỏa thực sự, phải là những bài viết phân tích hay đánh giá chuyên sâu, thu hút người đọc, tạo được cảm xúc để dẫn dắt họ đến hành động mua hàng, nhằm trải nghiệm thử xem những gì viết trên báo liệu có đúng không?
Sức mạnh của mạng xã hội
Truyền thông trên mạng xã hội là một chủ đề luôn được đưa ra để bình luận trong mọi chiến dịch marketing và đương nhiên, không ai có thể phủ nhận được sức mạnh của chúng.
Việc kết nối giữa mạng xã hội với website chính thức của bạn bằng việc update thường xuyên những ý kiến của khách hàng, sẽ không những khiến họ tin tưởng bạn hơn mà còn cảm thấy mình được tôn trọng.
Điều này cũng tạo nên sự gần gũi giữa người dùng và thương hiệu. Khi họ đã quá quen với sự hiện diện của bạn, việc khách hàng tự giác đánh giá sản phẩm và “mention” thương hiệu vào các dòng post của mình sẽ không có gì quá bất ngờ. Nhờ đó, nhãn hàng sẽ trở nên nổi tiếng một cách tự nhiên và không bị mang tiếng quảng cáo quá lố.
Bây giờ, sau khi hiểu rõ “social proof “ và tham khảo một vài ví dụ về làm thế nào để sử dụng tâm lý này, chắc hẳn bạn sẽ tự tìm ra rất nhiều cách khác nhau để tận dụng hiện tượng xã hội mạnh mẽ trên cho thương hiệu của mình.
Tags: Social Proof, tâm lý đám đông