Getfly CRM – Thùng trà đá, tủ thuốc, bình nước miễn phí, dịch vụ mai táng, xe ôm miễn phí cho người già và người khuyết tật… được người Sài Gòn chia sẻ tự nguyện với nhau trong cuộc sống thường nhật. Và chính những điều nhỏ nhặt, đẹp đẽ này càng khiến cho Sài Gòn thêm phần ấm áp, chất chứa tình người. Việc làm đáng quý này sẽ ra sao nếu được áp dụng một phần vào câu chuyện truyền thông bởi chính dịch vụ đang được tranh luận xôn xao hiện nay – Grabbike.
Bình nước miễn phí được đặt ngay ngắn, có người châm nước thường và nó có mặt ở khắp Sài Gòn. Tính ra chuyện này cũng bình thường. Nhưng khi một nhãn hàng vào cuộc và chọn các bình nước miễn phí để một công đôi chuyện, vừa phục vụ đối tác của nó, vừa là câu chuyện truyền thông tại điểm có khả năng bán thì nó là chuyện bình thường khác. Nhãn hàng này, khai thác một nét văn hóa địa phương cho hoạt động truyền thông của mình và nó, có lẽ, cũng muốn việc người ta sử dụng dịch vụ của nó như là chuyện hiển nhiên. Di chuyển là Grab, có thể vậy, và điều này cũng cần bình thường, tự nhiên như chuyện đặt bình nước miễn phí hay thùng bánh mì miễn phí mà người dân hay làm. Ở đây, hãy lưu ý thêm 1 chút, Grab không làm vậy ở mọi nơi.
Mình đã gặp 2 bình nước ở 2 nơi. Một ở tiệm sửa xe bên đường và một ở một cửa hàng thuộc hệ thống Honda. Hai điểm đặt này cho thấy Grab chọn địa điểm có chọn lọc và rất liên quan. Riêng tại cửa hàng Honda Head, ngoài bình nước, Grab còn có thêm một bảng nội dung khác “điểm hỗ trợ tiện ích cho đối tác Grabbike”. Vậy là rõ thêm một điều nữa, họ đang ngầm thể hiện ra câu chuyện truyền thông của mình.
Grab xúc tiến việc hợp tác với những bên sửa chữa chính hãng để biến những nơi này vừa trở thành điểm truyền thông, vừa trở thành điểm chăm sóc đối tác của họ. Có lẽ đây chỉ là bước đầu trong việc mở rộng các bên có thể giúp họ chăm sóc đối tác. Tiếp tới có thể (hoặc đã có?) là các nhà cung cấp nhiên liệu, như điều mà Grab và Uber đều đã làm ở Philippines (còn có nước khác không ta?); kết nối với hãng bảo hiểm để mua bảo hiểm cho người lái xe và gia đình của họ; liên kết với hệ thống chăm sóc sức khỏe; mua các dịch vụ giáo dục cho con cái tài xế,… và hẳn là còn nhiều khả năng khác nữa.
Một câu chuyện truyền thông khác, với bình nước miễn phí, dù ai cũng có thể uống, nhưng được thông báo rất rõ, nó dành cho “ĐỐI TÁC của Grab, Uber và xe ôm truyền thống”. Hãy chú ý, nó dành cho ĐỐI TÁC chứ không phải một ông/anh/chị/em lái xe ôm nào đấy, đây vừa là thủ thuật mà Grab có thể lấy lòng các bên, nhưng qua trò chuyện với người làm tại Grab và mấy anh em lái xe thì dường như họ hiểu Grab là như thế, thật sự muốn mang đến lợi ích cho “stakeholders” của họ, trong đó có những người lái xe hợp tác với Grab, tức ĐỐI TÁC của Grab. Mình còn nhớ câu chuyện kiểu một người xưa lái xe ôm nhưng giờ chạy Grabbike khóc nức nở vì Grab mang lại cho họ những phần thưởng cho chính mình và cho gia đình của mình. Hay như kiểu một tài xế Grabbike tự hào nói “bữa nay ba lên công ty”, bỗng nhiên lòng đầy tự hào và tự tin hơn so với lúc chạy xe ôm. Bình nước hay các hoạt động hỗ trợ như trên ngoài việc giúp cho tài xế gắn bó với Grab hơn thì nó cũng là một nội dung có thể khai thác cho các hoạt động truyền thông của Grab về sau, không chỉ hướng đến người dùng Grab mà còn có thể phục vụ cho hoạt động kêu gọi vốn, tuyển dụng.
Trong lúc Grab đang thực hiện hoạt động trade marketing, theo tôi là rất hiệu quả, như trên vừa hướng đến ĐỐI TÁC của họ, vừa tiếp cận và tạo thiện cảm được với người dùng mục tiêu thì Uber chạy rất nhiều quảng cáo ngoài trời và chạy online bản Việt hóa của chiến dịch “Where to?” mà họ đang thực hiện ở các quốc gia khác. Tuy nhiên hoạt động này lại ít khả năng tạo ra các tương tác giữa người nhận thông tin, chính thông tin đó và Uber. Ngoài ra, người ta cũng khó có được một cảm xúc nào đó với hoạt động mà Uber đang thực hiện. Và cuối cùng, sẽ chẳng ai chụp và nói nhiều về Uber với câu chuyện truyền thông và thông điệp như vậy. Nhưng với cái bình nước đơn giản trên, với 1 loạt các giảm giá, với Grabcar siêu rẻ thì người ta có thể sẽ nói, bởi có lý do và cảm xúc để nói.
Sẵn đây, vì có bạn nói rằng chẳng biết Grab/Uber có thể kiếm tiền bằng cách nào thì mình có thể nghĩ đến những tình huống như sau:
1. Họ có mạng lưới/độ phủ. Họ có thể khai thác nó để kinh doanh quảng cáo (mobility media), để kinh doanh các mặt hàng khác trên chính chiếc xe đó.
2. Việc di chuyển nằm ở gần như tất cả các bước trong hành trình mua sắm và sử dụng dịch vụ du lịch. Thế nên, họ có thể xâm nhập thị trường du lịch vừa để cung cấp dịch vụ vận chuyển khách du lịch, vừa để tạo ra các tour trải nghiệm trên chính phương tiện đó. Lợi thế hoạt động kinh doanh đa quốc gia có thể giúp họ thực hiện được điều này.
3. Họ mở rộng dịch vụ sang các tuyến đường dài từ khoảng 200km đổ lại.
4. Trong câu chuyện truyền thông này, họ tiếp tục khai thác dịch vụ hiện đại nhưng mở rộng kênh phân phối tại các khu dân cư xa trung tâm để phục vụ đưa đón đi làm, đi học.
5…. Và sẽ còn nữa.
Nguyễn Minh Nhật
Tags: câu chuyện truyền thông, Marketing