Mục lục
Marketing và Sale là hai hoạt động quan trọng trong doanh nghiệp. Marketing phụ trách về mặt truyền thông, xây dựng uy tín thương hiệu. Trong khi đó, đội ngũ sales phải chiến thắng tại các điểm bán, đồng thời chăm sóc khách hàng thật tốt để góp phần vào sự thành công của các chiến dịch bán hàng và của cả công ty. Mặc dù mục tiêu chung của cả hai đơn vị là tạo ra giá trị cho khách hàng và mang lợi nhuận về cho doanh nghiệp, sale và marketing không phải lúc nào cũng hòa hợp với nhau. Vậy nguyên nhân của vấn đề này là gì và đâu là giải pháp khắc phục điều đó hãy cùng Getfly CRM tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn nội bộ giữa bộ phận sale và marketing
Theo số liệu thống kê, sự liên kết hợp lý giữa hai bộ phận bán hàng và marketing sẽ đem đến doanh thu cao hơn 32%, tỷ lệ chốt đơn cao hơn 38% và tỷ lệ giữ chân khách hàng tăng thêm 36%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 24% và tăng trưởng doanh thu cũng nhanh hơn 27%. Tuy nhiên, các thống kê cũng chỉ ra:
- 25% doanh nghiệp cho rằng bộ phận bán hàng và bộ phận marketing của họ rất ít có sự phối hợp
- Chỉ hơn một phần ba nhân viên bán hàng tin rằng bộ phận Marketing biết họ cần gì, nhưng 59% các nhà tiếp thị nghĩ rằng họ biết bộ phận bán hàng cần gì ở họ
- 33% chủ doanh nghiệp cho biết bộ phận bán hàng và marketing của công ty không thường xuyên gặp nhau
Một khảo sát khác của Request Gen cho thấy ba trở ngại lớn nhất cho sự liên kết của hai bộ phận bán hàng và tiếp thị là:
- Sự giao tiếp (49%)
- Quy trình bị lỗi hoặc thiếu sót (42%)
- Làm việc với các số liệu khác nhau (40%)
Một số nguyên nhân được đưa ra nhằm lý giải cho những con số trên:
- Nhân sự sale khó chốt đơn, bỏ qua thời điểm vàng do quá trình bàn giao – tiếp nhận thông tin khách hàng từ đội Marketing bị chậm trễ
- Tỷ lệ chuyển đổi thấp do cập nhật thiếu, bỏ sót những lưu ý quan trọng trong hồ sơ khách hàng
- Trong quá trình giao tiếp với khách hàng, sale không khai thác thêm thông tin của khách hàng hoặc khai thác nhưng không phản hồi lại với nhân sự marketing để thực hiện nghiên cứu khách hàng định kỳ, cập nhật chân dung khách hàng phục vụ cải thiện chiến dịch truyền thông
- Thiếu các tiêu chí đánh giá cụ thể, minh bạch dẫn đến khi chiến dịch bán hàng kém hiệu quả 2 team có xu hướng đổ lỗi cho bên còn lại, gây mâu thuẫn nội bộ
Đó là một số vấn đề điển hình gây nên các mâu thuẫn nội bộ giữa 2 team, dẫn đến những thất bại của các chiến dịch truyền thông, tỷ lệ chốt sale thấp, doanh thu không đạt đúng chỉ tiêu đề ra. Vậy làm sao để khắc phục những vấn đề này. Hãy cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết nhé!
3 Phương pháp hiệu quả giúp gắn kết đội ngũ sale và marketing
Khuyến khích trao đổi hai chiều
Ban lãnh đạo cần thực hiện các hoạt động truyền thông nội bộ, thay đổi nhận thức giúp nhân sự hiểu được tầm quan trọng và lợi ích khi hai bộ phận phối hợp ăn ý với nhau. Từ đó thúc đẩy sự trao đổi giữa 2 bộ phận để có thể làm tốt nhiệm vụ của mình hơn. Chẳng hạn bộ phận Sale sẽ tăng hiệu quả tư vấn nếu có những thông tin chi tiết nhất về khách hàng (bên cạnh các thông tin liên lạc cơ bản) từ bộ phận Marketing. Và ngược lại, trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, bộ phận bán hàng cũng có thể chủ động thu thập thêm thông tin để cụ thể hóa chân dung thực tế của khách hàng tiềm năng… Các thông tin này đem lại sự trợ giúp lớn cho đội ngũ Marketing trong việc điều chỉnh và tối ưu chiến lược.
Xây dựng quy trình làm việc có sự phối hợp liên phòng ban
Ngoài việc truyền thông về vai trò của sự phối hợp nội bộ, nhà quản lý cũng cần đưa ra các quy định chính sách rõ ràng để 2 bên xác nhận và nắm rõ trách nhiệm của mình. Điều này cũng giúp doanh nghiệp xác định nguyên nhân chính xác khi chiến dịch bán hàng không hiệu quả và tránh tình trạng nhân sự 2 team đổ lỗi lẫn nhau khiến mâu thuẫn bị đẩy lên cao trào. Chằng hạn:
- Đối với marketing, không chỉ dừng lại ở danh sách lead thu được mà còn cần cập nhật đầy đủ mọi thông tin thu được từ khách hàng, về các vấn đề phát sinh, các dấu hiệu mới của thị trường.
- Bộ phận sales, ngoài những thông tin định lượng về doanh số, bản báo cáo cần cả những thông tin định tính để giúp bộ phận marketing hiểu rõ hơn khách hàng của mình thực sự cần và mong muốn gì.
- Trưởng hai bộ phận sẽ tổng hợp báo cáo của các thành viên, tìm ra những vấn đề chung, trao đổi với bộ phận còn lại và tìm ra giải pháp.
- Cả hai bộ phận Sales và Marketing đều cần được đào tạo để hiểu được công việc và quy trình làm việc của nhau.
- Tổ chức những buổi nhân viên Marketing cùng đi bán hàng để hiểu những vấn đề của bộ phận bán hàng cũng như khảo sát thị trường thực tế. Ngược lại, định kỳ mời bộ phận bán hàng tham gia các buổi họp của bộ phận tiếp thị để giúp người bộ phận bán hàng nắm bắt được thông điệp truyền thông của doanh nghiệp và đóng góp thêm những ý kiến thực tế của mình trong quá trình xây dựng chiến lược,…
Thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu, báo cáo chung trong toàn doanh nghiệp
Hệ thống dữ liệu chung giúp 2 bộ phận dễ dàng truy cập, quản lý và trích xuất các thông tin cần thiết cho công việc. Không chỉ vậy điều này còn tạo nên dòng chảy dữ liệu thống nhất trong doanh nghiệp giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực và tận dụng được tính kế thừa của thông tin. Mặt khác, việc lưu trữ tập trung, khoa học thông tin trên một hệ thống duy nhất sẽ giúp quá trình phân tích, tổng hợp, nghiên cứu khách hàng, nghiên cứu thị trường diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, leader dễ quản lý và theo dõi tình hình công việc của cả hai bộ phận, kịp thời điều chỉnh và điều phối.
Sales và Marketing đều hướng tới một mục tiêu chung: Đảm bảo hoạt động kinh doanh và giúp cho doanh nghiệp ngày càng phát triển. Khi hai bộ phận gắn kết và phối hợp với nhau hiệu quả doanh nghiệp sẽ và nâng cao hiệu suất công việc, cải thiện đáng kể về những chỉ số hiệu suất quan trọng: Chu kỳ bán hàng ngắn hơn, chi phí thâm nhập thị trường giảm và chi phí bán hàng thấp hơn,…. Trên đây là một số cách để dung hòa mâu thuẫn nội bộ giữa Sale và Marketing. Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các anh chị có thêm những phương pháp để áp dụng cho doanh nghiệp mình!
Chúc các doanh nghiệp thành công!