Tôi làm giàu: có tâm và chân chính

Trong cuộc đời của mình, ai cũng đã từng bước ra làm ăn, lắm người thành công và chắc cũng không ít người thất bại.

Thiên thời, địa lợi, nhơn hòa; không phải lúc nào cũng đặng vinh quang. Có người thời thế tạo anh hùng, có người do may mắn mà thành công, có người luôn gặp “quế nhân” giúp đỡ; có người nhờ vốn hộ thân, và cũng có người đi lên từ hai bàn tay trắng…

Xuất phát thế nào không quan trọng. Nhân thân thế nào cũng không quan trọng; miễn là con người ta luôn luôn cố gắng, sống có TÂM và làm ăn CHÂN CHÍNH. Sự thành công đến không do kỹ xảo mà nhờ sự CHÂN THÀNH & TẬN TỤY

Đó là câu chuyện kinh doanh của tôi. Tôi đã và đang làm được điều đó. Tôi thành công trong công việc từ sự đam mê, quyết tâm làm giàu và làm giàu chân chính.

Tôi cũng bình thường như bao nhiêu người khác; Tôi luôn in trong đầu mình câu nói “Phi thương bất phú”. Tôi biết muốn giàu thì phải “mua, bán”; phải có đồng vô đồng ra thì cuộc sống mới dễ thở và khá lên được.

Tôi đã biết kiếm tiền từ những năm lên 10, 11 tuổi. Đã biết nuôi heo đất bằng đồng tiền kiếm được từ việc bán khoai mì nấu trước trường học và ”buôn lậu” trong thời kỳ xã hội còn “ngăn sông cấm chợ” những năm 70 (bài “Ước mơ và hoài bão” trang cá nhân của tôi) trong khi ở lứa tuổi đó, hầu hết các bạn tôi chỉ biết xin tiền Ba Mẹ.

Hồi ấy, học xong Cao đẳng Sư phạm, tôi ra trường đến miền biên giới để dạy học. Thời đó khổ lắm- những năm 80, nghành Y, giáo viên và bộ đội nghèo chưa từng thấy. Tôi đi dạy phân nữa tiền lương là phải thay bằng mì gói, khoai mì và nhu yếu phẩm. Xa nhà không đủ tiền về xe, ăn uống kham khổ, tôi bệnh liên tục nhưng vẫn đam mê không bỏ cuộc.

Sau đó do có hồ sơ xuất cảnh sang Canada nên tôi buộc nghỉ dạy và đi nước ngoài đoàn tụ gia đình. Cuộc đời cũng lắm điều nghiệt ngã. Tuổi trẻ không suy nghỉ được nhiều. Không đủ tự tin để làm điều quan trọng của cuộc đời. Tôi chọn con đường trụ lại VN. Tôi kg biết mình đúng hay sai nhưng tôi cũng không còn hối tiếc. Mọi việc buông xuôi theo số phận.

Sau đó tôi lập gia đình, khởi nghiệp bằng quán cafe. Nghề cũ của gia đình tôi thời tôi còn đi học. Quán của tôi đắt lắm nhưng tôi chỉ bán một mình. Quay như chong chóng, từ việc pha chế, bưng bê đến tính tiền, tiếp chuyện khách hàng; việc nào tôi cũng làm tuốt tuồn tuột. Mà ngộ, nhờ vậy mà khách quen tới hoài; lý do là tôi biết ý thích của từng vị khách và tôi luôn làm đúng khẩu vị của họ. “Trăm tay không bằng tay quen”; khách nào vị nấy, tôi bán giá rẻ nhưng cafe luôn ngon nhờ bí quyết riêng học được từ gia đình và “kỷ thuật câu khách” chân tình. Thời đó, nhạc vàng bị cấm lưu hành nhưng ai cũng muốn nghe. Mỗi tháng tôi về Sai gon đến đường Huỳnh Thúc Kháng tìm mua những dĩa nhạc xưa của Hoàng Oanh, Thanh Tuyền… về mở lén cho khách nghe. Dàn Akai cũ lắm nhưng nghe rất tuyệt.(làm được điều này, tôi phải mua chuộc công an khu vực và bà tổ trưởng dân phố khó chịu á. Vậy mà lâu lâu cũng dính chưởng đó chứ).

Thành công với quán cafe, tôi xây được nhà và quay sang kinh doanh Karaoke và ăn uống. Phải nói tôi có thần hộ mệnh luôn theo giúp đỡ nên mọi việc thật suôn sẻ. Với ngành nghề mới này, do đặc thù “nhạy cảm” và kinh doanh “có điều kiện” nên ngay từ đầu tôi đặt cho mình nguyên tắc và tiêu chí kinh doanh rỏ ràng. Khi đặt bảng hiệu, tôi ghi “Karaoke GIA ĐÌNH”. Và nó là “gia đình” thực thụ. Nguyên tắc đặt ra rất chặt:
1. Không nhận khách say rượu
2. Không bán bia hơn một két/ phòng
3. Không cho tiếp viên vào tiếp khách
4. Không mở đèn mờ khi hoạt động
5. Không ép khách hàng ăn uống

Khi kinh doanh ngành này, tôi đẫ đấu tranh tư tưởng ghê lắm. Thứ nhất, nó là ngành giải trí nhạy cảm dễ bị biến tướng nếu chạy theo lợi nhuận. Thứ hai, tôi có hai con gái, tôi phải làm sao để chúng tự hào về Mẹ dù mẹ kinh doanh ở lĩnh vực nào, chúng cũng không bị ảnh hưởng.
Với phương châm “Gia đình” nên mục tiêu khách hàng của tôi không là “khách nhậu” mà chủ yếu là anh chị nhân viẻn văn phòng, sinh viên học sinh và gia đình. Tôi tính tiền giờ giá rất mềm và không bao giờ tăng giá cho dù lễ tết khách đông không tưởng. Mỗi phòng khi khách đến, tôi chiêu đãi trà đá uống mệt nghĩ và một dĩa “cóc ngâm” tự tay tôi làm mỗi ngày mà ai đến cũng ghiền. Đó cũng là món ăn chơi “huyền thoai” như lời các bạn học của các con tôi khi là khách hàng thường xuyên đến quán khi tụ họp.

Tôi không cho khách say đặt phòng và cũng không bán bia nhiều cho người vào hát. Tiêu chí “không say xỉn” luôn đặt lên hàng đầu. Các anh chị em cơ quan hay đặt cơm trưa và các món ăn đơn giản khi đến quán. Còn lai hầu hết là sinh viên và học sinh. Khách hàng của tôi đến đây bằng sự yên tâm và tin tưởng. Các bạn của con tôi đứa nào cũng gọi tôi là Má Mai và yêu tôi lắm; tôi luôn dành cho sinh viên học sinh sự ưu ái đặc biệt. Nhiều năm khi rời khỏi ghế nhà trường, có đứa quay về cùng bạn mới, có đứa đi cùng ba mẹ, có đứa đã lập gia đình nhưng vẫn nhớ và đến Dona để hát hò, ăn cóc ngâm và thăm má Mai của nó.

Có những năm thấy Karaoke “có ăn”; thị xã hàng loạt mở ra nhiều tụ điểm hoành tráng và kinh doanh “bất chấp”, em út tràn ngập, bia bọt phủ phê… những điểm kd đàng hoàng có xao động, có người cũng đi theo xu thế nhưng Dona của tôi vẫn theo nguyên tắc cũ. Có mất một số khách nhưng tôi kiên quyết duy trì nếp có sẵn để giữ chân khách hàng giải trí chân chính. Một thời gian không lâu, hơn năm gì đó, lần lượt các tụ điểm phải đóng cửa vì vi phạm pháp luật, Huỳnh Thảo, Phương Lâm, Huyền Trân, 114, Huynh đệ, Mỹ Trà…. nhưng Dona của tôi vẫn đứng vững và phát triển.

Bây giờ tôi không còn kinh doanh Karaoke nữa mà chuyển hẳn qua công việc giảng dạy về sales và làm sales; nhưng tiếng thơm Dona vẫn còn và như một huyền thoại đẹp trong lòng khách hàng cũ của tôi. 15 năm trong ngành “nhạy cảm & có điều kiện” nhưng chưa một lần phiền đến Công an phường và bà con hàng xóm.

Không dễ khi luôn tuân thủ nguyên tắc kinh doanh và không theo thị trường. Chăm chút khách hàng bằng sự tận tâm và thấu hiểu. Khách hàng không phải là “thượng đế” nhưng họ luôn được tôi tôn trọng và thân thiết. Khách hàng của Dona đã đến là ở lại, không bao giờ tôi bị mất khách. Đó là sự cam kết trung thành của họ bằng thái độ phuc vụ chân tình, về giá cả hợp lý và sự chăm chút của tôi.

Tôi không giỏi nhưng tôi biết mình nên làm ăn thế nào cho tốt. Biết làm thế nào để giữ chân khách hàng và phát triển nghề nghiệp. Tôi không co công ty to, không có khách hàng khủng nhưng tôi có khách hàng trung thành và thương mến. Nhiều năm không kinh doanh nữa nhưng khi gặp nhau, tôi và họ vẫn thân thiết; họ lại tiếp tục làm khách mới cho công việc mới của tôi; và Karaoke Dona mãi mãi là huyền thoại đẹp trong lòng người Thị xã Tân an cũ và Thành phố Tân an bây giờ.

Trương Mai
23 tháng chạp giáp tết con Gà.

Tags: , ,