Mục lục
1. Hãy nghiên cứu nhiều hơn
Tất cả những ai làm copywriting đều biết đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu. David Ogilvy, cha đẻ của ngành quảng cáo đã nói “hãy nhồi những nghiên cứu vào óc tò mò của bạn”.
Bạn càng có nhiều thông tin, bạn càng có nhiều khả năng biến tấu bài viết của mình để có những nội dung chất lượng.
2. Viết những gì mà bạn yêu thích để tạo nội dung chất lượng cho khách hàng.
Khi bạn không biết phải tiếp tục viết cái gì hoăc làm sao để cho bản nháp của bạn chỉnh chu hơn, hãy thêm vào điều mà bạn thấy thích. Như David Ogilvy đã nói “Hãy nói sự thật nhưng làm sự thật đó thú vị hơn”. Bạn biết đấy, bạn không thể bắt khách hàng mua sản phẩm của bạn, bạn chỉ có thể làm họ thấy thích thú để mua nó thôi.
Vậy làm sao để nội dung trở nên hấp dẫn?
- Hãy làm cho nó dễ đọc và bắt mắt
- Tận dụng cá tính riêng của bạn hoặc những ý tưởng bán hàng độc đáo
- Hãy làm nó … .
- Kết hợp những tranh cãi
- Kể những câu chuyện
3. Hãy thể hiện cá tính, phong cách riêng của mình
Tất cả tác giả và thương hiệu đều có tiếng nói, phong cách và những ý tưởng bán hàng của riêng mình (USP – unique selling proposition). Ogilvy biết rằng việc xây dựng và khẳng định tính cách bản thân là cách tốt nhất (đôi khi nó là cách duy nhất) để khiến bạn nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh và chiếm được thị phần lớn trên thị trường. Trước khi đăng bài viết, hãy đảm bảo rằng nó thể hiện rõ tính cách thương hiệu của bạn, cũng như phù hợp với nhu cầu và mong muốn của đối tượng mục tiêu mà bạn hướng đến.
4. Đừng coi thường tầm quan trọng của việc đặt tiêu đề
Trong quyển sách về copywriting và advertising, huyền thoại David Ogilvy và John Caples viết cả một chương về tầm quan trọng của tiêu đề bài viết. Sau đây là một vài bí kíp nho nhỏ để có được một tiêu đề có hiệu quả:
- Viết một bản nháp trước, sau đó hãy lấy ra những ý chính để đặt tiêu đề. Điều này sẽ làm cho tiêu đề không bị lạc so với dàn ý.
- Lựa chọn tiêu đề đơn giản
- Ghi nhớ quy luật 4U: Urgent (gấp rút) – Unique (độc quyền) – Useful (dễ áp dụng) – Ultra specific (thật cụ thể)
- Thu hút sự chú ý bằng một bức tranh sinh động hoặc những cảm xúc mảnh liệt. Sau đó thêm thắt vào cá tính riêng và nội dung có thể truyền tải những lợi ích quan trọng nhất.
5. “Simply is the best”
Lưu ý giúp tôi điều này, đơn giản hoá nội dung không có nghĩa là bạn phớt lờ các quy tắc hoặc viết cho một đứa học sinh lớp 5 có thể hiểu được.
Hãy viết một cách đơn giản nhất để cho thông điệp của bạn trở nên rõ ràng và ngắn gọn để cho khách hàng có thể hiểu được những lợi ích mà bạn đang mang lại cho họ.
“Simply is the best” – Đơn giản là nhất mà, đúng không?
6. Hãy kể 1 câu truyện về sản phẩm của bạn
Cho dù bạn có là dân chuyên trong ngành quảng cáo này, tôi thề là bạn đã chán ngấy với những mẩu quảng cáo vô vị trên phương tiện truyền thông mỗi ngày rồi. Những câu chuyện “câu like” nhảm nhí trên Facebook lại thu hút rất đông người đọc cho dù nó có vớ vẩn đến cỡ nào đi chăng nữa, vì vậy, hãy kể một câu chuyện trong mẩu quảng cáo của bạn (dĩ nhiên không phải để kiếm like nhé). Điều này sẽ mang lại sự tích cực vì nó sẽ đạt được sự chú ý của những khách hàng tò mò và tất nhiên họ sẽ muốn xem câu chuyện của bạn có hồi kết thế nào. Còn một điều nữa, hãy kể về sản phẩm của bạn nhé.
7. Hãy chú ý đến hình thức
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng tôi cá rằng chả ai có được cặp mắt X-quang để nhìn xuyên thấu vào miếng gỗ của bạn đâu. Thế thì… cách nào để nước sơn trở nên tốt hơn đây?
- Chú ý đến font chữ của bạn, rõ ràng và dễ đọc
- Hãy viết đoạn văn ngắn
- In nghiêng, bôi đen, gạch đít… ..
- Hình ảnh đẹp, bắt mắt
8. Quá khéo léo đôi khi cũng không tốt
Nghe nực cười nhỉ? Chúng ta là những người làm việc với từ ngữ nên việc chơi đùa với chúng là điều dĩ nhiên nếu muốn tạo ra một nội dung tốt và đặc biệt. Nhưng đôi lúc, sự đơn giản và đi thẳng vấn đề sẽ mang lại hiệu quả hơn.
9. Phá vỡ quy tắc khi cần thiết
Nghe có vẻ phản khoa học với điều số 5 ở trên nhỉ nhưng một copywriter thông minh sẽ biết khi nào cần để phá vỡ các quy tắc về ngữ pháp, từ ngữ, cú pháp một cách thích hợp.
Bạn nên nhớ rằng bạn quảng cáo đến khách hàng tiềm năng của bạn chứ không phải là những giáo viên dạy văn. Hãy quảng cáo bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu, điều này sẽ khiến mọi chuyện dễ dàng hơn việc sử dụng từ ngữ một cách sách vở.
10. Hãy viết những nội dung chất lượng với mục đích rõ ràng
Với sự bùng nổ của content marketing hiện nay, rất nhiều marketer viết chỉ vì… phong trào thôi. Rất là tuyệt khi bạn có cả một thư viện về nội dung nhưng sẽ còn tuyệt hơn nếu những nội dungđó có mục đích.
David Ogilvy nói rằng “Trong thế giới hiện đại của doanh nghiệp, nó vô dụng để trở nên sáng tạo khi bạn không thể bán được ý tưởng đó”. Hãy nhớ là bạn viết để khuyến khích, xây dựng lòng tin của khách hàng và nội dung gắn liền với họ.
11. Hãy suy nghĩ rộng hơn
Quay về điều 5 và 9 và lại vô lý một lần nữa. Nhưng chúng ta đang làm công việc đòi hỏi sự sáng tạo nên đừng có ngại khi phải thử một điều gì mới. Hơn nữa, hãy thiết lập các mối quan hệ tốt với những người không làm chung ngành của bạn, những kẻ phản đối công việc này, những kẻ rất ghét quảng cáo để mở ra những góc nhìn khác. Khi đó, bạn sẽ có được sự kết nối từ người này qua người khác và có lẽ, bạn sẽ nghĩ ra được nội dung tốt nhất cho quảng cáo của bạn.
Nếu bạn có đi ăn trộm, thì bạn cũng phải đặt bản thân mình vào chủ nhà để xem họ sẽ giấu đồ ở đâu đúng không?
12. Hãy nói ngôn ngữ mà khách hàng có thể hiểu
Điều này quá dễ hiểu. Bạn không thể giới thiệu sản phẩm khi khách hàng không hiểu bạn đang nói về cái gì. Nói theo ngôn ngữ của họ sẽ giúp bạn được biết đến, thích và có được lòng tin. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng một mối quan hệ tốt và sẽ dễ dàng hơn trong việc thuyết phục họ.
Nếu bạn đang mắc kẹt, hãy quay lại, và biến nội dung chất lượng của bạn thành thứ mà khách hàng của bạn nghĩ đến. Hãy đặt bạn vào vị trí của họ và động não tí nào. Quảng cáo của bạn không chỉ trở nên ổn hơn mà còn giúp bạn khai sáng được những gì nên làm tiếp theo đấy.
13. Nắm bắt cảm xúc và đưa nó vào bài viết
Chả ai muốn xem một mẫu có nội dung chất lượng hay nhưng lại khô khan như những bài báo cáo khoa học đúng không? Cảm xúc sẽ làm bài viết của bạn nổi bật nhưng làm thế nào để cho vào một lượng cảm xúc vừa phải, không quá uỷ mị hoặc cứng rắn nhỉ?
Phương thức để kết hợp cảm xúc vào nội dung của bạn là hãy tự hỏi: Ước muốn sâu xa nhất của bạn là cái gì?. Có rất nhiều những cảm xúc mà bạn có thể vận dụng
- Sợ hãi
- Vui vẻ
- Tội lỗi
- Giận dữ
- Nịnh nọt
14. Những bằng chứng thuyết phục là điều không thể thiếu
Trăm nghe không bằng một thấy. Khách hàng sẽ tin tưởng bạn hơn và bạn sẽ tự tin hơn khi bạn đưa ra những số liệu thuyết phục. Như vậy sẽ giúp bạn chiếm được cảm tình của những khách hàng khó tính và cho thấy rằng bạn biết mình đang nói về vấn đề gì. Một vài ý tưởng để bạn có thể đưa ra dữ liệu đáng tin cậy bao gồm:
- Số liệu thống kê
- Phương pháp
- Những lần kiểm định
- Case study
- Những câu chuyện thành công
15. Kết hợp các nguyên tắc cơ bản của copywriting
- Thu hút sự chú ý
- Tập trung vào khách hàng
- Nhấn mạnh lợi ích
- Tạo sự khác biệt hơn đối thủ
- Đưa ra bằng chứng thuyết phục
- Tạo lập lòng tin
- Xây dựng giá trị
- Kết thúc bằng kêu gọi hành động (call to action)
Tuỳ vào sản phẩm, mục đích hoặc nội dung chất lượng bạn đang viết, bạn có lẽ không cần phải áp dụng hết 8 điều trên. Hãy ghi nhớ chúng khi bạn viết vì chúng có thể giúp nội dung trở nên mạnh mẽ và thú vị.