Phần mềm Getfly CRM – Loại bỏ Fan Page sẽ là niềm vui của 2 tỷ người dùng Facebook trên toàn cầu và khoảng 30 triệu người dùng tại Việt Nam. Rõ ràng, chúng ta cần một bảng tin “sạch sẽ” hơn thay vì phải chấp nhận bài viết của bạn bè đan xen với quá nhiều nội dung “không liên quan” từ các “admin” xa lạ.
Tuyên bố của vị phó chủ tịch phụ trách News Feed tại Facebook chỉ khẳng định: “Chúng tôi đang thử nghiệm cung cấp 1 không gian riêng để mọi người theo dõi gia đình và bạn bè, một không gian riêng tên gọi Explore dành cho các Page… Hiện tại, không có kế hoạch nào để mở rộng thử nghiệm này ra ngoài các quốc gia đang tham gia và cũng không có kế hoạch ép các Page phải trả tiền cho toàn bộ nội dung phân phối trên News Feed hay Explore”.
“Tâm thư” của Facebook về vấn đề News Feed mới cho thấy nguyện vọng “kết nối” của người dùng là nguyên nhân cốt lõi.
Dĩ nhiên, bất chấp những lời trấn an này, các Fan Page, các trang tin, các thương hiệu, các nhà sản xuất nội dung vẫn nên xác định tìm cách lo “hậu sự” cho sự hiện diện miễn phí của mình trên Facebook. Trong lịch sử tồn tại suốt bao nhiêu năm qua của Facebook: gần như không có mấy thử nghiệm trên Facebook lại bị đảo ngược, ngay cả khi chúng gây khó khăn cho người dùng.
Với động thái tách đôi News Feed, Facebook lại càng có lý do để loại bỏ Fan Page. Rõ ràng là một trải nghiệm News Feed tập trung vào gia đình và bạn bè sẽ làm hài lòng rất nhiều người: khi người dùng Facebook có thói quen nhấn Like “vô tội vạ” trên các shop, các page “nhảm nhí”, chắc chắn sẽ có lúc nào đó họ cảm thấy rối loạn vì bài viết từ bạn bè bị đan xen với quá nhiều những sản phẩm mỹ phẩm, những đơn hàng xách tay hay đủ các thể loại “deep” từ Em+ đến Her Plus và Anh Tâm Sự. Dĩ nhiên, không phải lúc nào các Fan Page cũng chỉ đưa ra các nội dung không nhiều ý nghĩa tới người dùng, song rõ ràng hiện tượng “loạn” Page sẽ làm giảm mức độ kết nối giữa người thật với người thật – vốn là chìa khóa tạo ra sự khác biệt của Facebook.
Nói cách khác, Facebook đã có thời dùng để kết nối con người thật trên mạng ảo. Còn Facebook ngày nay “loạn” quá nhiều Page cho đến các biện pháp “hack” Like hoặc những lời chèo kéo Like/Inbox, khiến cho khâu kết nối người-người bị xen với quá nhiều nội dung không liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Vì vậy việc loại bỏ Fan Page nhằm kéo lại niềm tin nơi người dùng.
Hiện tượng mất tầm nhìn này sẽ khiến chính Facebook phải chịu thiệt. Thành công của Snapchat là ví dụ rõ rệt nhất: với trọng tâm đặt vào những bức ảnh có caption ngắn, Snapchat tạo ra phương pháp liên lạc/thể hiện rất dễ dàng cho giới trẻ. Snapchat cũng có kênh bạn bè/gia đình tách riêng với kênh dành cho nhãn hàng.
Không gì có thể lấy lại được những người dùng đã mất lòng tin vào Facebook và chuyển sang Snapchat, ngoại trừ một động thái… copy nữa. Một bảng tin chỉ toàn các bài đăng chủ động từ gia đình và bạn bè sẽ là cách để Facebook trở lại thành một công cụ kết nối hiệu quả giữa người dùng và người dùng – ngay cả việc bạn đăng tải tin có caption do bạn tự nghĩ cũng vẫn mang nhiều ý nghĩa tới bạn bè hơn là bài chia sẻ từ một “admin” xa lạ đằng sau một Page nào đó.
Và hiển nhiên, việc tách News Feed ra làm 2 nửa theo cùng một cách của Snapchat cũng sẽ giúp Facebook kiếm thêm tiền: nếu muốn chen chân vào News Feed cũ, các Page phải trả tiền mua bài Sponsored. Dần dần, Explore sẽ trở thành một “bãi hoang” không mấy ai muốn sử dụng (vì không có tính kết nối rõ rệt), còn Sponsored trên News Feed cũ sẽ trở thành luồng tin duy nhất cho phép các nhãn hàng, các trang tin tiếp xúc với người dùng Facebook.
Một mũi tên trúng 2 con nhạn. Loại bỏ Fan Page sẽ giúp Facebook thu nhiều tiền hơn, người dùng cũng vừa lòng hơn. Hãy ngay lập tức chuẩn bị cho sự trở lại của Facebook.