Phần mềm Getfly CRM – Làm gì khi bắt buộc phải từ chối một cơ hội công việc từ nhà tuyển dụng, để vừa lịch sự, vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp, lại vừa không áy náy. Đây là một chủ đề trong tuyển dụng, mà mình thấy ít người chia sẻ, nên hôm nay mình xin chia sẻ một chút những kinh nghiệm từ sai lầm và cách mình sửa những sai lầm ấy. Với vai trò vừa là ứng viên, vừa là người đã từng tuyển dụng nhiều vị trí.
Mình trước đây cũng như một số bạn trẻ mình từng tiếp xúc – từng tuyển dụng (khi mình làm ở các vị trí quản lý), thường từ chối một cơ hội công việc bằng những cách sau đây:
– Không phản hồi gì cho đến khi nhà tuyển dụng không thấy đi làm, mới gọi thì trả lời lại đã đi làm bên khác hoặc thậm chí không nghe máy của nhà tuyển dụng.
– Phản hồi lại email offer kiểu: Chào anh. Em đã đi làm bên khác rồi. Cảm ơn anh.
– Có người còn phản ứng – chỉ trích lại rằng khi phỏng vấn, anh chị tuyển dụng có những “lỗi” này, làm em không thích (trường hợp này mình đã gặp).
Nhưng, lại có những người hết sức lịch thiệp, tử tế khi từ chối một cơ hội công việc:
– Mời cà phê trực tiếp nhà tuyển dụng và trình bày – chia sẻ lý do từ chối
– Có người gọi điện trình bày lý do chi tiết, và trao đổi thông tin cá nhân, Facebook để kết nối lâu dài cho các cơ hội về sau
Dễ thấy ở trên, đâu là cách làm hay, đâu là chưa hay. Với những cách làm chưa hay như vậy, hậu quả là mình thường cảm thấy áy náy đến tận về sau, khi đi làm nơi khác, còn nhà tuyển dụng thì có ấn tượng không tốt về mình. Tai hại là, rất có thể mình sẽ mất luôn cơ hội hợp tác về sau nếu có cơ hội việc làm khác ở đó.
Trong một lần tham gia chương trình tuyển dụng cấp quản lý ở một công ty khá lớn, mình đi đến vòng tuyển dụng cuối cùng, gặp CEO, và sau đó gửi email từ chối không nhận việc. Sau này, mình mới biết rằng, chi phí để truyền thông, tìm kiếm và thực hiện các chương trình hỗ trợ tuyển dụng, nếu chia ra theo số ứng viên tuyển được thì mất cả vài chục đến 100 triệu/người. Mình hết sức bối rối và áy náy, cũng như cảm thông với nhà tuyển dụng.
Do đó, những lần sau này, khi bắt buộc phải từ chối một cơ hội công việc. Mình ngồi xuống và suy nghĩ thật kỹ nên làm gì cho phải:
– Luôn hết sức tử tế, tôn trọng và thấu hiểu cho nhà tuyển dụng kể cả khi không hợp tác
– Làm gì đó để bù lại những mất mát mà nhà tuyển dụng sẽ mất nếu mình từ chối
– Làm cách nào để giữ được mối quan hệ tốt đẹp với nhà tuyển dụng về lâu dài
– Suy nghĩ thật kỹ vì sao mình không lựa chọn nhà tuyển dụng – trình bày rõ ràng và THẬT.
– Tìm trong các mối quan hệ (network) của mình xem có ai có thể giới thiệu thay thế vị trí của mình.
– Thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao nhà tuyển dụng cũng như những cảm xúc có thực trong quá trình tuyển dụng, nhờ đó mà giữ liên lạc – kết nối với nhà tuyển dụng về sau.
Nếu thấu hiểu, sẽ thấy nhà tuyển dụng, mất rất nhiều chi phí, thời gian, công sức để đăng tin tạo nguồn, lọc hồ sơ, thiết kế bài kiểm tra đầu vào (test tuyển dụng), phỏng vấn mấy vòng (đôi khi với cả CEO, hay ban giám đốc)… và những sự chuẩn bị cho ứng viên vào làm, thậm chí là đã thông báo cho cả công ty biết. Do vậy, nếu ứng viên từ chối, rất có thể nhà tuyển dụng sẽ phải… làm lại từ đầu, quá trình này.
Trên hết, mối quan hệ tuyển dụng – ứng viên là một mối quan hệ hợp tác, hãy hợp tác để đôi bên cùng thắng (win – win) và nếu không hợp tác được thì giữ cơ hội hợp tác về sau. Vì rất có thể chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đâu đó sau này, thị trường tuyển dụng Việt Nam nhỏ bé lắm.
Chúc mọi người ngày làm việc vui và cùng làm đẹp lòng nhau trong quá trình làm việc – hợp tác.
St Phạm Đại Bàng
>> Tuyển dụng nhân sự doanh nghiệp nhỏ – giống làm Marketing