Phần mềm Getfly CRM – Nhiều người cho rằng để khởi nghiệp thì chỉ cần kiến thức kinh doanh, lãnh đạo, quản lý… là đủ. Thực tế có phải vậy không? Khởi nghiệp – để kiếm chác hay dựng nghiệp?
Tháng vừa rồi vì có gia đình chị bạn thân ở Hà Nội vào nên tôi dành khá nhiều thời gian đưa anh chị đi du ngoạn một số nơi, chính vì vậy mà cũng ít thời gian để viết lách. Về tới Sài Gòn thì chắc do di chuyển nhiều và qua các tỉnh có khí hậu khác nhau, nhiệt độ, áp suất quá chênh lệch lại bị cảm nên mãi tới sáng nay tôi mới có thời gian ngồi vào máy tính viết trở lại được.
Thực chất thì tháng này đa phần thời gian ngồi máy tính của tôi là để nghiên cứu nên cũng hạn hẹp thời gian viết về khởi nghiệp, món mà tôi rất khoái khẩu.
Nhiều người cho rằng để khởi nghiệp thì chỉ cần kiến thức kinh doanh, lãnh đạo, quản lý… là đủ.
Tôi cũng từng nghĩ như vậy, chính vì lối nghĩ đó mà tôi bỏ học đại học Công nghệ thông tin (CNTT) để nhảy ra làm kinh doanh thuần túy. Thực tế là tôi cũng xây dựng thành công một doanh nghiệp, kiếm được tiền, tiêu pha, phá phách, ngông nghênh đủ cả (năm đó tôi mới 19-20 tuổi nên các bạn cũng thông cảm). May mắn là năm 2004, một sự cố quật ngã tôi để tôi có cơ hội nhìn lại những gì mình đang làm không… có sức mạnh như mình vốn lầm tưởng (ai kiếm được lắm tiền cũng tưởng là mình làm đúng, làm hay, tưởng mình giỏi giang, vĩ đại lắm!) Chính cú tát trời giáng nhớ đời đó bắt tôi phải nhìn nhận lại mọi sự một cách thông minh hơn và bắt tay vào dựng nghiệp.
Thời đó tôi khá ngưỡng mộ Bill Gates! Ngưỡng mộ có nghĩa là tôi nghiên cứu về cả chiều sâu của những gì mà ông ấy làm phía sau hậu trường chứ không phải những thứ tốt đẹp huyền ảo mà truyền thông cố nhồi nhét vào đầu công chúng. Những chiêu trò và cách tư duy mà tôi học được từ ông ấy giúp tôi 19-20 tuổi đã có thể kiếm tiền khá tốt, với một sinh viên quèn ở quê ra thành thị thì như vậy là cả một đại nghiệp rồi đấy! Nhưng sao tôi vẫn bị quật ngã?
Tôi nhận ra Bill Gates ngoài sở trường kinh doanh, lãnh đạo, quản lý… ra còn có một thứ quan trọng nữa: là một lập trình viên giỏi! Mà tôi thì lại bỏ học chính cái thứ đó.
Tư duy của một kỹ sư công nghệ
Để tôi nói cho bạn biết, tư duy của một kĩ sư công nghệ thì khác hoàn toàn tư duy của một ông chủ doanh nghiệp truyền thống. Trước kia thì tôi không dám nói vì các ông chủ truyền thống vẫn ăn trên ngồi trước nhưng giờ thì tôi khẳng định luôn: Trên con đường dựng nghiệp, trước sau gì các ông chủ truyền thống cũng sẽ phải cúi đầu trước công nghệ.
Tại sao tôi lại dám nói như thế?
Công nghệ, đặc biệt là CNTT và Internet cho phép con người, mà phải là người có tư duy công nghệ cực tốt làm ra những giải pháp giúp thực hiện một cách siêu nhanh chóng hầu như tất cả mọi việc mà trước khi có công nghệ thì cồng kềnh, chậm chạp.
CNTT và Internet cho phép một ý tưởng có thể đánh sập cả một đế chế trong thời gian kỉ lục nếu nó được thực thi thành công. Mà trong thời đại này, khi những ý tưởng điên rồ mới năm ngoái còn bị chửi tơi bời mà năm nay đã nghiễm nhiên nằm trong top bảng xếp hạng thì không có chuyện gì không thể xảy ra!
Dựng nghiệp thời nay là phải học công nghệ một cách nghiêm túc
Sau thất bại đầu đời, tôi trở lại với CNTT. Tôi nhận ra rằng, dựng nghiệp thời nay là phải học công nghệ một cách nghiêm túc. Ban đầu nhiều người xem thường ghê lắm vì họ nghĩ chắc tôi không còn đủ cứng để tiếp tục bởi vì tôi đột nhiên từ bỏ lối kinh doanh kiểu cũ gần như hoàn toàn.
Học hành một cách điên cuồng suốt 3 năm trời từ 2004-2007, đầu năm 2007 tôi quyết định trở lại thương trường với cách kinh doanh hoàn toàn khác. Thí nghiệm những gì mình học được trong 3 năm đó, đặc biệt ứng dụng thực tế vào môi trường Việt Nam, tôi thực sự kinh ngạc. Đầu năm 2007 tôi còn không đủ tiền để thuê nhà trọ, cuối năm 2007 tôi có thể thoải mái mua nhà, mua xe mà chẳng cần suy nghĩ. Nhưng tôi lại tiếp tục tự vấn bản thân: học như vậy đã đủ chưa?
Một số người biết tôi đủ lâu thì đều rõ từ năm 2008 đến năm 2011 tôi chẳng làm gì ngoài chơi bời. Thực chất đó là giai đoạn tôi nghiêm túc nhất trong đời mình để thay đổi toàn bộ nhận thức, thay đổi tư duy và học hỏi không ngừng nhằm lột xác trở thành một con người công nghệ hoàn chỉnh. Bởi tôi hiểu rõ để sử dụng được sức mạnh công nghệ một cách minh triết không phải là chuyện đơn giản. Cái gì có sức mạnh to lớn đều có 2 mặt của nó: xây dựng hoặc phá hủy. Công nghệ có thể giúp thế giới tốt đẹp hơn cũng có thể tàn phá thế giới theo cách nhanh chóng đến không ngờ!
Bạn thấy đó, 17 năm khởi nghiệp của tôi thực chất chỉ làm rất ít, chủ yếu là học hành. Để ung dung, tao nhã trong khởi nghiệp thì phải chuẩn bị từ rất sớm, tôi tin vào con đường và cách tiến hành khởi nghiệp của mình. Mà niềm tin đó chẳng phải là niềm tin kiểu chủ nghĩa này nọ, tôi thậm chí có thể chứng minh sức mạnh của công nghệ rất đơn giản trong khá nhiều case study mà tôi đã trực tiếp hoặc gián tiếp thực thi.
Hôm qua anh bạn nhắn: Chat fb đi!
Tôi SMS lại: Em đang xài nokia không có fb anh ơi!
Tôi đã học hành CNTT đến mức đó!
Nguồn: Khởi nghiệp xanh
>> Linh hồn của khởi nghiệp là ước mơ lớn
Tags: dựng nghiệp, khởi nghiệp, tư duy công nghệ