Lợi ích nhóm theo kiểu “tình cảm”

Một dự án tôi từng tham gia đổ bể vì điều này. Đó là khi quản lý nhận lệnh từ tôi để làm một việc nhưng khi áp xuống cho anh em thì vì nể nang mà cậu ta làm chệch đi để anh em không bị chạnh lòng! Sau đó, khi kiểm tra tiến độ thấy hụt, tôi chấn chỉnh tới tận nhân viên và cảnh báo cậu quản lý không làm khác. Tuy nhiên, do tính cách yếu mềm của cậu quản lý, lần sau mọi chuyện lại lặp lại như cũ!

Hầu như quản lý nào cũng vậy, luôn cố o bế nhân viên không muốn quản lý cấp trên biết lỗi sai của nhân viên. Dạng này hay gặp vì quản lý thường cho rằng anh em nghe mình không phải do kỷ luật mà còn do cái tình mình dành cho họ và vì thế mình phải bao che cho họ thấy rằng mình là người xứng dáng làm đại ca.

Một lý do khác là quản lý cho rằng thị trường khó khăn, sếp ở xa còn mình ở gần. Chỉ có mình mới thúc đẩy được anh em. Giờ phải dùng tình cảm để mua chuộc anh em, nhằm lúc khó khăn còn nói khó vài ba câu để họ cố gắng làm tốt mà không phải hỏi xin sếp!
Cái này có hại còn hơn cả lợi ích nhóm theo kiểu vật chất, vì nó là thứ vô hình vô dạng khó xử lý. Và tai hại là nếu công ty vẫn làm ăn có lãi thì sau này khi quản lý đó lên làm giám đốc cả bộ sậu ở dưới lại tiếp tục trào lưu như vậy thậm chí ở mức độ nặng hơn.

Ngay cả khi mọi thứ đang xuôi chèo mát mái, thì với kiểu che dấu để lấy lòng nhau như vậy, đôi khi quản lý vô hình chung tạo ra sự mâu thuẫn ngày một lớn giữa nhân viên và sếp. Tới lúc nào đó, như giọt nước tràn ly, mâu thuẫn đó hiện hình thành sự chống đối ra mặt hoặc một lá đơn xin nghỉ việc thì lúc đó mọi thứ đã muộn.

Vì thế, trong mọi chuyện với đội sales, tôi thấy quan trọng nhất là duy trì được một hệ thống truyền tin và thu thập phản hồi bằng số liệu và lúc nào cũng có thể kiểm tra được mọi lúc, mọi nơi. Nó không chỉ tốt cho việc làm dày lên “kho business intelligence”, mà còn giúp các chủ doanh nghiệp né được Lợi ích nhóm kiểu tình cảm!

#qtkn_doxuantung
#qtkn_sales
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Tags: