Mục lục
Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp bất đồng ý kiến với sếp chưa?
Để trở thành một người lãnh đạo, các sếp đã đúc kết được cho mình rất nhiều kinh nghiệm, rèn luyện bản thân qua rất nhiều thử thách. Tuy nhiên, sếp cũng là con người nên đôi khi không thể tránh khỏi các sai sót. Vì vậy, trong một số trường hợp, bạn có thể bất đồng ý kiến với sếp. Thậm chí là ý kiến của bạn hoàn toàn trái ngược. Vậy bạn phải xử lý thế nào khi bất đồng ý kiến với sếp? Thử tham khảo những lời khuyên của Getfly nhé!
Xây dựng lòng tin để sếp tin tưởng lúc bất đồng ý kiến
Khi sếp mắc phải sai lầm hoặc bạn và sếp bất đồng ý kiến, bạn nên chất vấn sếp theo hướng tích cực nhất và vẫn thể hiện thái độ tôn trọng. Bạn cần nhẹ nhang, khéo léo trong cách trò chuyện. Tuy vậy, để những lời góp ý của bạn có thể khiến sếp lắng nghe và tin tưởng, việc đầu tiên bạn phải làm là xây dựng sự tin tưởng đến từ các lãnh đạo.
Hãy luôn làm việc đúng hạn được giao, nỗ lực hết mình. Chứng minh với sếp thấy rằng năng lực của bạn ổn định qua từng thời kỳ và bạn là một nhân viên đáng tin cậy.
Xây dựng lòng tin với sếp giúp các nhận xét của bạn được sếp lắng nghe hơn
Bỏ qua những việc nhỏ nhặt
Sếp và bạn – mỗi người đều có vai trò khác nhau. Trong khi bạn đang bất đồng ý kiến về những thứ nhỏ nhặt thì sếp lại nghĩ bạn đang không tập trung cho những mục tiêu lớn. Hãy luôn nhớ rằng người lãnh đạo của bạn rất bận rộn và chỉ quan tâm đến những thứ lớn lao. Nếu muốn tranh luận, hãy lựa chọn những thắc mắc xứng đáng, bỏ qua những điều nhỏ nhặt.
Khéo léo trong giao tiếp
“Sự khéo léo là việc phải nhớ không chỉ nói đúng việc đúng lúc, mà còn phải biết việc khó hơn là kềm chế nói những điều không đúng vào lúc bạn muốn nói nhất.” – Benjamin Franklin.
Trước tiên, hãy thể hiện với sếp rằng bạn không tranh luận vì lý do cá nhân. Nếu có những bất đồng ý kiến, hãy bình tĩnh, nói thật tập trung và thật chắc chắn. Đừng tránh né quá nhiều câu hỏi thắng thắng và liên tục xin lỗi trong lúc tranh luận. Bởi điều này thể hiện bạn đang không thật sự nghiêm túc. Cũng đừng quá hung hăng, công kích sếp trong cuộc tranh luận. Bởi điều này có thể gây ra những tác dụng hoàn toàn trái ngược, không những khiến sếp không muốn lắng nghe ý kiến mà còn gây ra cái nhìn xấu cho bạn.
Khi tranh luận, bạn nên trao đổi trực tiếp với sếp và không nên để nhiều người biết. Nói xấu sếp là việc hoàn toàn không nên làm bởi hành động này sẽ đập tan tất cả những niềm tin mà bấy lâu nay bạn xây dựng với sếp.
Khéo léo trong giao tiếp giúp bạn giải quyết các bất đồng ý kiến với sếp
Chờ đúng thời cơ để thể hiện các bất đồng ý kiến
Khéo léo và thời cơ là hai yếu tố luôn đi kèm với nhau khi thể hiện sự bất đồng ý kiến. Là một nhận viên, bạn nên tìm hiểu tích cách của sếp trước khi trình bày vấn đề. Hãy lựa lúc thích hợp nhất: khi tâm lý sếp đang thoải mái, sếp có thời gian rảnh rỗi,… để trình bày vấn đề. Nếu như sếp bận vào buổi sáng, bạn có thể trình bày vào buổi chiều. Nếu sếp không thích bị chỉ trích hay phê bình hãy gặp mặt sếp và nói ngắn gọn, khéo léo về những bất đồng ý kiến của mình.
Thu thập đầy đủ thông tin
Không có gì khó chịu hơn một nhân viên tỏ vẻ hiểu biết nhiều nhưng lại không có thông tin thuyết phục. Do đó, hãy nắm rõ những gì mình sẽ nói, tìm thêm các thông tin bổ trợ, tập trung vào trọng tâm vấn đề bất đồng ý kiến.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin, bạn hãy thử suy nghĩ xem sếp sẽ đặt ra cho mình những câu hỏi như thế nào? Những thông tin bạn đang có đã đủ sức thuyết phục với sếp hay chưa? Luôn chuẩn bị dẫn chứng thuyết phục nhất cho câu trả lời của bạn.
Lựa chọn thời điểm để dừng lại
Bạn không thể đòi hỏi mình luôn thắng trong tất cả các cuộc tranh luận. Nếu sếp từ chối ý kiến của bạn, hãy thể hiện với họ rằng bạn tôn trọng quan điểm của sếp và luôn ủng hộ sếp. Cách bạn lựa chọn thời điểm để dừng lại rất quan trọng. Một nhân viên biết dừng lại đúng lúc sẽ làm sếp thêm tin tưởng và lưu tâm đến ý kiến của nhân viên đó.
Bất đồng ý kiến không phải là chuyện xấu. Đa phần các công ty tốt nhất hiện nay đều đi lên từ những bất đồng ý kiến. Những nhân viên của công ty đó, tìm hiểu và nhìn nhận mọi vấn đề, góp ý với sếp để tìm ra giải pháp tốt nhất. Biết đóng góp đúng lúc và hợp lý, sẽ giúp bạn trở thành nhân viên quan trọng của công ty. Đây cũng là cách để bạn chứng tỏ mình đang dần tiền bộ và trưởng thành hơn, sẵn sàng tiếp nhận vị trí cao hơn khi thời cơ đến.