Những bước đi mới của doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của hầu hết các doanh nghiệp, những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và chuyển đổi thành công tổ chức bộ máy. Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp đang rất được quan tâm và chính thức bước vào một cuộc đua mới.

Năm 2020 và 2021 vừa qua thực sự là một thách thức lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Sự tác động, tàn phá của Covid-19 đã vươn tới mọi loại hình kinh doanh và ngành công nghiệp, không loại trừ doanh nghiệp mới khởi nghiệp (startup) hay những tập đoàn lớn. Tuy nhiên, sự khác biệt ở chỗ doanh nghiệp áp dụng các chiến lược kinh doanh ưu tiên kỹ thuật số đã có thể phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng trở lại, bên cạnh đó, các doanh nghiệp dựa vào kinh doanh truyền thống vẫn còn đang “ngụp lặn” tìm chỗ đứng, cố gắng không bị “knock-out” khỏi thị trường.
share-bai-bao-chuyen-doi-so-1
Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa.

Có thể thấy rằng, tầm quan trọng của chuyển đổi số là không thể chối bỏ. Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển mình, tận dụng sức mạnh của công nghệ để tăng hiệu suất doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Chắc hẳn, bạn đọc và rất nhiều doanh nghiệp cũng đã nghe qua thuật ngữ “chuyển đổi số” trong hai đến ba năm trở lại đây. Nhưng để hiểu thế nào là chuyển đổi số, làm thế nào để chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chuyển đổi số cần làm những gì? Bạn đọc hãy cùng Diễn đàn Pháp luật gặp gỡ và trao đổi với chuyên gia kinh tế đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số doanh nghiệp hiện nay, một lĩnh vực khá mới và đang được thị trường hết sức quan tâm.

Hiểu thế nào cho đúng về khái niệm “chuyển đổi số” ?

Tìm hiểu được biết, định nghĩa chung của chuyển đối số (digital transformation) theo Gartner – Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới cho biết: “Chuyển đổi số là việc ứng dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”. Theo Microsoft: “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp con người, dữ liệu và quy trình để hình thành những giá trị mới”.

Bên cạnh đó, để hiểu rõ hơn về định nghĩa chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Nguyễn Huy Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Getfly Việt Nam cho biết: “Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại”.

share-bai-bao-chuyen-doi-so-2
Ông Nguyễn Huy Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Getfly Việt Nam cho rằng chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Theo ông Hoàng, nếu chúng ta so sánh khái niệm của chuyển đổi số (digital transformation) với số hóa (digitization) và ứng dụng số hóa (Digitalization), hai khái niệm khác thường sẽ gây nhầm lẫn cho doanh nghiệp. Ở cấp độ thấp nhất, số hóa hỗ trợ chuyển đổi tài liệu dạng vật lý (giấy tờ) sang định dạng số (dữ liệu mềm trên máy tính). Đây là bước bắt buộc đầu tiên để doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số. Ứng dụng số hóa là việc sử dụng sự trợ giúp của công cụ, công nghệ thông tin để tối ưu những dữ liệu số hóa sẵn có. Từ đó giúp nâng cao hiệu suất công việc, giảm bớt thao tác công việc, tiết kiệm thời gian.

Chuyển đổi số là quá trình hoàn chỉnh khi doanh nghiệp áp dụng số hóa và ứng dụng số hóa. Theo đó, chuyển đổi số khai thác sâu rộng hơn các dữ liệu từ ứng dụng số hóa, áp dụng công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu và tạo ra những giá trị mới hiệu quả.

Tầm quan trọng của chuyển đổi số

Chuyển đổi số mang lại những lợi ích cho mọi mặt của doanh nghiệp từ điều hành quản lý, tối ưu hiệu suất, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số hiện nay, ông Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: “Chuyển đổi số doanh nghiệp trước tiên sẽ giúp mở rộng khả năng tương tác và kết nối giữa nhân viên và các bộ phận. Sự giao tiếp của các phòng ban đóng vai trò rất quan trọng, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quy trình bán hàng từ marketing, sales, chăm sóc khách hàng. Thậm chí ảnh hưởng tới các quyết định kinh doanh (tính cấp thiết của thông tin). Chuyển đổi số giúp thu hẹp khoảng cách giữa các phòng ban, bộ phận trong doanh nghiệp, đảm bảo các phòng ban được kết nối trên một nền tảng hệ thống công nghệ nội bộ đồng nhất, trao đổi công việc dễ dàng, theo dõi tiến trình công việc của các bộ phận liên quan, hỗ trợ lẫn nhau đẩy mạnh tiến độ hoàn thành công việc”.

“Chuyển đổi số cũng làm tối ưu hóa năng suất làm việc và chất lượng công việc của nhân viên. Chuyển đổi số không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn yếu tố con người trong doanh nghiệp. Ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ tự động hóa các quy trình công việc của nhân viên một cách khoa học, chuẩn hóa nhất. Theo đó, giúp nhân viên tập trung và hoàn thiện công việc chuyên môn với giá trị cao hơn. Chuyển đổi số giúp nhà quản lý chủ động nắm được con số trong tay để đưa ra quyết định đúng đắn, luôn có nhiều phương án cho công việc kinh doanh, chủ động không phụ thuộc vào nhân lực biến động. Theo đó, nhà quản lý dễ dàng theo dõi tình hình kinh doanh, đánh giá công việc của nhân viên qua hệ thống báo cáo minh bạch. Ứng dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có thể triển khai và vận hành hiệu quả, có những định hướng kinh doanh đúng đắn, cốt lõi của việc bứt tốc thành công. Đồng thời, chuyển đổi số đem lại những lợi ích trực tiếp trong quá trình chăm sóc và phục vụ khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng – bí quyết hàng đầu giúp doanh nghiệp trở nên độc đáo số 1 trong mắt khách hàng”, ông Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.

Làm thế nào để chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam?

Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC… đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi hoạt động của doanh nghiệp từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên…, những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Trong khi đó, đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Đến nay, chuyển đổi số đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu. Điều này có thể thấy thông qua thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và coi trọng giá trị của của dữ liệu doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, khảo sát trên 400 doanh nghiệp, cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán. Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…

share-bai-bao-chuyen-doi-so-3
Ông Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ về các bước thực hiện chuyển đổi số được hiệu quả và thành công.

Với kinh nghiệm là đơn vị đi đầu trong hoạt động tư vấn triển khai lĩnh vực chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Getfly Việt Nam cho rằng, để chuyển đổi số hiệu quả thành công, doanh nghiệp cần thực hiện theo quy trình và nắm rõ các bước (đánh giá hiện trạng và xác định mục tiêu của doanh nghiệp, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp, lựa chọn ứng dụng công nghệ phù hợp với quy mô và đặc tính doanh nghiệp, tạo ra văn hóa phản hồi mở với nhân viên về định hướng chuyển đổi số doanh nghiệp, đặt chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm của lãnh đạo và toàn thể doanh nghiệp).

Chuyển đổi số là một hành trình dài và không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể ứng dụng thành công. Để triển khai một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả cho doanh nghiệp mình, doanh nghiệp cần có một chiến lược cụ thể, rõ ràng dựa trên những phân tích thực tế, đảm bảo thời gian cũng như sự quyết đoán trong quá trình triển khai.

Nguồn: Báo Đời Sống & Pháp Luật