Trong bài “3 người sẽ giúp ta thành đạt”, tôi có nhắc đến người cổ vũ, người kết nối, và cuối cùng là người mentor – cố vấn. Ai trong đời cũng cần mentor. Đó là người đã đi qua con đường mà ta sắp đi qua. Họ đã thành đạt, có tầm nhìn xa hơn và trải nghiệm cuộc sống, sự nghiệp, thế giới dày dặn hơn ta rất nhiều. Vì vậy, họ có thể giúp ta định hướng cho tương lai, nhắc nhở khi ta làm gì đó chưa đúng, và chỉ cho ta những con đường tốt nhất và ngắn nhất.
Trong một buổi gặp gỡ, có một bạn trẻ hỏi tôi, “Chị ơi giữa chị và anh N, em chọn ai làm mentor là tốt nhất hả chị?” Mentor là người đã thành đạt. Họ làm mentor vì họ thích phát triển con người, phát triển nhân tài. Họ mentor vì nhìn thấy tiềm năng của một ai đó, nhìn thấy giá trị đóng góp của một người nào đó cho cộng đồng, cho xã hội. Cũng vì vậy, họ chọn bạn chứ bạn không có quyền chọn họ. Có điều, bạn hoàn toàn có thể đi tìm người mentor của mình, tìm cách tiếp cận để người ta biết mình, để ý đến mình, và chọn mình.
Một số bạn khác hiện đang có người hướng dẫn lại thắc mắc không biết người đang giúp mình có phải là mentor không, và những gì họ đang làm có phải là những gì mà mentor cần làm. Trong bài này, tôi chia sẻ với các bạn 4 điều tuyệt vời mà một người mentor giỏi cần làm và sẽ làm để phát triển bạn – mentee, người được hướng dẫn.
1. Put the relationship before the mentorship – Đặt quan hệ giữa hai con người lên trên quan hệ cố vấn: để việc mentor thành công, cần phải có một quan hệ gần gũi, chặt chẽ giữa hai thầy trò. Quan hệ này được xây dựng dựa trên hệ giá trị của người mentor. Họ chọn bạn để mentor vì bạn có giá trị giống họ. Ví dụ những người mà tôi đã mentor trong đời và sau này tôi đều chọn là người có tâm hướng đến cộng đồng. Nếu thiếu đi điều kiện nền tảng này, quan hệ mentor sẽ không bao giờ hiệu quả. Ngược lại, nếu bạn đang có mentor nhưng nhìn thấy hệ giá trị của hai người thật ra quá khác nhau. Bạn cũng nên đặt câu hỏi đây có phải là người mentor tốt nhất cho mình. Nếu mentor trở thành một trách nhiệm, giống như trách nhiệm của sếp đối với nhân viên chẳng hạn, thì quan hệ mentor đó sẽ chẳng dài lâu và không bao giờ hiệu quả.
2. Focus on character rather competency – Tập trung vào tính cách chứ không phải khả năng: những người mentor có tâm, họ quan trọng và giúp ta hình thành tính cách, giá trị, nhận thức về bản thân, sự thông cảm và tôn trọng người khác. Người mentor giỏi hiểu rằng con đường phía trước rất xa, và những phẩm chất tốt dựa trên một hệ giá trị khoẻ mạnh sẽ giúp bạn thành công chứ không phải chỉ là kỹ năng và kỹ thuật.
3. Shout loudly with your optimism, and keep quiet with your cynism – Nói về sự lạc quan, giữ im lặng với sự hoài nghi: khi ta đến gặp người mentor và trình bày một ý tưởng nào đó mới, người mentor giỏi là người sẽ truyền thêm năng lượng cho ta. Họ sử dụng công thức lạc quan 24×3, nghĩa là cho phép mình 24 giây, 24 phút, 24 giờ để chỉ nghĩ về những điều lạc quan, những lý do hay ho mà ý tưởng đó mang lại đã trước khi nghĩ về khía cạnh tiêu cực, không nên thực hiện. Người mentor giỏi thường khuyến khích bạn khám phá và tìm hiểu cái mới.
4. More loyal to their mentee than they are to their company – Nghĩ cho học trò của mình hơn là công ty/tổ chức: ngày xưa khi còn đi làm thuê, tôi đã cho một số bạn mentee của mình nghỉ việc, định hướng cho họ một ngành nghề khác phù hợp với tiềm năng, và chỉ cho họ một công ty khác. Người làm mentor cần phải nhìn thấy tiềm năng thật sự của học trò, khuyến khích họ phát triển tiềm năng và giá trị của bản thân. Mentor đúng nghĩa, nếu tình cờ là sếp trực tiếp, sẽ không giữ bạn lại làm việc tại công ty khi biết rằng việc học trò mình đang làm không đóng góp gì cho tương lai cả.
Tags: mentor