Làm việc vì tiền, có nên không?

Vấn đề ngày nay là mọi người làm những công việc họ không hề yêu thích, chỉ để kiếm tiền.

Mục đích căn bản nhất của con người khi làm việc đó là để kiếm tiền và nuôi sống bản thân. Đó là thực tế. Tuy nhiên, như người ta vẫn hay khuyên, bạn không nên để đồng tiền kiểm soát con người mình. Bởi vì hạnh phúc và sự thỏa mãn không chỉ đến từ tiền bạc mà còn nhiều yếu tố khác.

Làm việc vì tiền, có nên không?
Làm việc vì tiền, có nên không?

Vấn đề ngày nay là mọi người làm những công việc họ không hề yêu thích, chỉ để kiếm tiền. Ví dụ dễ thấy nhất: Sinh viên mới ra trường lóa mắt vì mức lương nghìn đô mà không màng nghĩ đến công việc đó có cho mình cơ hội phát triển, thăng tiến và trở thành một cá nhân hoàn thiện hơn hay không.

Người thành công và hạnh phúc thường theo đuổi đam mê của mình, làm những gì mình yêu thích và kiếm tiền từ những việc làm đó. Nếu không, rất có thể sẽ xảy ra một trong những vấn đề sau đây.

1. Bạn sẽ chẳng bao giờ kiếm ĐỦ tiền

Ngay cả khi bạn là nhân viên được trả lương cao nhất so với những người cùng vị trí trong công ty, bạn vẫn sẽ cảm thấy bạn chưa được trả một mức lương xứng đáng. Vì thế, bạn sẽ luôn than phiền về mức lương của mình và nói với mọi người rằng tại sao đồng nghiệp lại được trả lương cao hơn trong khi bạn mới là người xứng đáng nhận được mức lương đó. Như một lẽ tất yếu, bạn sẽ cảm thấy không vui, không hài lòng, luôn so đo, tính toán.

2. Nhảy việc thường xuyên

Bởi vì bạn cảm thấy không vui và không được trả lương xứng đáng, bạn muốn tìm một công ty khác mà bạn cho rằng sẽ trả cho mình mức lương cao hơn. Thoạt đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy vui hơn khi được gặp gỡ những người mới và làm việc trong môi trường mới. Tuy nhiên, một khi bạn đã quen với nó, sự hấp dẫn sẽ biến mất và bạn lại tiếp tục tìm kiếm một công việc mới trừ khi công việc mới này là đam mê thực sự trong đời của bạn.

3. Có tiền nhưng không có thời gian… tiêu xài

Tôi có một anh bạn từng làm ở một công ty quảng cáo nổi tiếng. Anh chia sẻ làm ở đó rất dễ giàu vì được trả lương nhiều, và quan trọng hơn là… không có thời gian tiêu xài tiền lương vì ngày nào cũng làm quần quật đến tận đêm, kể cả cuối tuần. Tôi không nghĩ rằng một môi trường làm việc như vậy có thể khiến bất kì ai hạnh phúc và, như tôi nói ở trên, những công việc như vậy không thể giữ chân bạn lâu. Anh bạn của tôi rời bỏ vị trí đó chỉ sau vài tháng làm việc.

Khi chọn bất kì một công việc nào, sự cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống là một yếu tố vô cùng quan trọng. Đừng để cuộc sống của bạn trôi qua với những giờ làm việc miệt mài buổi khuya tại văn phòng.

4. Bạn không phải là một ứng viên tốt

Tôi từng gặp một ứng viên mà trong mọi cuộc phỏng vấn luôn hỏi đi hỏi lại vấn để lương bổng và phúc lợi. Điều tốt là mọi ứng viên nên biết rõ mình nhận được những gì khi làm việc cho công ty. Nhưng điều xấu là việc lặp đi lặp lại những câu hỏi giống nhau, đồng thời thể hiện sự chi li tính toán của mình đối với nhà tuyển dụng. Ứng viên này liên tục so đo tiền lương, và sau hai lần nâng mức lương mong muốn, ứng viên lại muốn tính lương bằng tiền đô (do đó lại đẩy mức lương mong muốn lên thêm một lần nữa).

Hãy nhớ rằng nếu tất cả những gì bạn thấy ở công ty bạn ứng tuyển vào là tiền, thì bạn rất có thể sẽ đánh mất cơ hội khi xin việc. Bởi vì nhà tuyển dụng biết chắc bạn sẽ nhảy việc sang công ty có mức lương cao hơn ngay khi có thể. Các công ty cần những nhân viên gắn kết với tập thể, gắn bó và đam mê công việc, chứ không phải một nhân viên chỉ biết có tiền.

Để tìm được hạnh phúc thực sự trong công việc, bạn hãy cống hiến vì những điều ý nghĩa, những điều mà bạn thực sự đam mê. Đừng đặt đồng tiền làm mục tiêu phấn đấu của sự nghiệp cũng như của cuộc đời bạn.

– HR Insider –

Tags: , , ,