Sai lầm lớn nhất của đào tạo sale là đào tạo theo kịch bản.
- Biến các nhân viên sale thành những con robot quá nhàm chán và thiếu cảm tình mỗi khi khách hàng nghe câu nói đầu tiên.
- Hãy để họ trở về đúng nghĩa một vai trò người sale chứ không phải robot sale.
- Muốn họ trở thành người thì họ cần linh hồn chứ không cần kịch bản.
- Bán hàng giống như tình yêu vậy, khi yêu con người ta tự thốt lên được những lời rung động từ trái tim và làm tan chảy bất kì ai dù họ có trái tim gỗ đá.
- Để làm được điều đó thì không ai dùng kịch bản để diễn cho người tình của mình xem cả. Tất cả phải xuất phát từ trái tim chân thật.
Vậy làm sao để nhân viên sale có linh hồn?
Đó là khâu vô cùng quan trọng trong đào tạo mà ít người hiểu thấu.
Trước hết, họ không yêu sản phẩm, không tin sản phẩm là điều tệ nhất. Nó chẳng khác nào một chàng trai cầm lọ thuốc độc và đi tìm một nửa cuộc đời mình. Anh ta sẽ run, hoang mang vì không biết rằng ai sẽ là người xấu số.
Vậy nên cái đào tạo đầu tiên là phải cho nhân viên sale nhìn thấy, chắc chắn, rõ ràng, tin tưởng vào sản phẩm. Để họ được tự hào như cầm một bông hoa hồng xanh đại diện cho tình yêu vĩnh cửu và vững bước đi tìm bạn đời của mình vậy.
Thứ 2 đó là tình yêu nghề, với một doanh nghiệp thì đội sale như thành mạch máu dẫn máu về nuôi cả bộ máy, với quốc gia thì đội sale như những con ong chăm chỉ xây dựng mạng lưới giao dịch hàng hoá, đẩy nền kinh tế đi lên. Thế nhưng mấy doanh nghiệp hiểu được điều đó? Mấy doanh nghiệp có chương trình đào tạo rõ ràng để nhân viên sale tự hào với nghề của mình?
Thứ 3 đó là tình yêu công ty, làm cho công ty có khiến họ tự hào hay không? Công ty như gia thế của chàng trai vậy, bố mẹ nghèo, bố mẹ không được xã hội tôn trọng thì chàng trai nào tự tin bước tới gặp người họ yêu thương? Công ty bạn đã có chương trình đào tạo để nhân viên tự hào về công ty mình chưa? Hãy cho họ được ngẩng cao đầu và nói tôi đang làm cho công ty mơ ước. Hỡi các ông bà chủ nhé.
Thứ 4 đó là tình yêu khách hàng, một gã si tình vẫn sẽ làm nhiều cô gái đổ gục còn một gã lăng nhăng ở thời điểm người khôn của khó này sẽ chẳng lừa được ai đâu. Khách hàng đều rất thông minh và tỉnh táo và đặc biệt giác quan thứ 6 của họ sẽ khai phá ra tất cả và họ luôn linh cảm được rằng: nhân viên sale của bạn có chân thành đến với họ hay không. Khâu đào tạo của doanh nghiệp đã biết chú trọng phân tích kỹ năng bước qua giác quan thứ 6 của khách hàng hay chưa? Hay có khi giờ vẫn chẳng hề biết nó tồn tại?
Thứ 5 đó là sự tổng hoà của một người sale cần có đó là Kiến Thức – Kỹ Năng – Thái độ đã được đả thông và chăm sóc kỹ lưỡng hay chưa? Nhược điểm lớn nhất của đào tạo ngày nay là không tổng hoà được những yếu tố này.
Thứ 6 đây là thứ quan trọng tuy nhiều người nói nhưng không biết cách dùng, đó là thông tin chuyên sâu về sản phẩm.
Dở hơi nhất của sử dụng những thông tin này là để úp thẳng vào mặt khách bất cứ khi nào chào hàng. Chán, chán lắm, nó là thứ dữ liệu thôi các bạn ạ. Chỉ dùng trong tình huống tương tác tự nhiên thì bạn sẽ có nhiều vốn từ, nhiều ý tưởng để nói, chứ không phải nhảy vào là bắn.
Chưa kể việc không sát sao đào tạo, để nhân viên tự đi học rồi lớp nào sale cũng nhảy vào trong khi sale chia ra nhiều kỹ năng khác nhau:
Telesale: kỹ năng gọi điện thoại.
Sale trực tiếp: kỹ năng thuyết phục trực tiếp.
Sale hội thảo: kỹ năng bán hàng hội thảo.
Sale online: giỏi các công cụ phần mềm và truyền tải nội dung số hoá.
Sale lễ tân: kỹ năng cúi bao nhiêu độ và cười hở mấy răng đó.
Cho nên học sale thì phải hỏi rõ là dạy sale gì nhé.
Đại khái thế. Mình viết ra vì vốn là một nhà đào tạo và thấy quá nhiều bên đào tạo kiểu kịch bản giống kiểu học ngọn, họ cành mà ko học rễ. Nhìn đội sale các doanh nghiệp xuống cấp thấy tiếc quá.
Nguyễn Minh Ngọc ™
Tags: Chủ doanh nghiệp, đào tạo, đào tạo sales, đội sale