Mục lục
Phần mềm Getfly CRM – Có rất nhiều những doanh nghiệp đi lên từ những công ty gia đình, tức vợ chồng cùng điều hành công ty. Nhưng khi doanh nghiệp bắt đầu lớn dần thì đòi hỏi vai trò quản lý của vợ/ chồng trong công ty phải thay đổi theo.
Tự làm khó nhau
Anh N.V. Hoàng và chị C.T. Trang là đôi vợ chồng cùng xuất thân từ kinh doanh thiết bị văn phòng. Sau gần 10 năm làm công, họ quyết định tự tách ra làm công ty riêng. Hoàng chuyên lo phần kỹ thuật; Trang phụ trách phần kinh doanh, giao tiếp khách hàng và kiêm luôn kế toán, sổ sách. Là doanh nghiệp mới, hai vợ chồng cần mẫn chăm sóc khách hàng nên việc kinh doanh ngày càng tiến triển, phát đạt. Sau 2 năm làm riêng,công việc khấm khá, họ chuyển công ty về nhà, xây dựng cơ sở khang trang hơn. Từ đây, bắt đầu xuất hiện các mâu thuẫn nhỏ. Trên giấy tờ pháp lý, Hoàng là giám đốc, Trang là Phó giám đốc phụ trách tài chính. Tuy nhiên, với các nhân viên trong công ty, ai cũng biết Trang là người quyết định mọi thứ: lương thưởng, mua sắm thiết bị, máy móc, điều động công việc. Việc Trang gánh phần lớn công việc cho chồng trong những lúc Hoàng đi công tác, bảo trì máy móc, khảo sát thị trường… , khiến Trang được lòng các nhân viên và họ gắn bó với “bà chủ” nhiều hơn. Song, cũng có một vài nhân viên “nhỏ to tâm sự” với giám đốc Hoàng. Anh cảm thấy mình bị “mất quyền”, mất kiểm soát với nhân viên. Hai vợ chồng bỗng chốc tranh cãi nhau về các chi tiêu, mua sắm, hoa hồng của khách hàng, công ty… và ai là người quyết định?
Tranh cãi thì cũng không đi đến đâu nhưng hậu quả là cả hai vợ chồng trở nên bất đồng và ít nói chuyện với nhau hơn. Không khí trong công ty trở nên ảm đạm. Trang vẫn là người quyết định cuối cùng vì chị không muốn mất khách hàng và vẫn phải “tươi cười” với mọi người để mọi việc được tiếp tục chạy. Có lúc, Trang cũng nản vì đi làm đã mệt, về nhà cũng chẳng có gì vui. Chị muốn bỏ mặc để chồng tự xoay sở: lương thưởng nhân viên, sổ sách, kế toán, xã giao với khách hàng, làm nghĩa vụ với thuế, hải quan…
Giải quyết hay… giải tán?
Khi vợ chồng cùng điều hành công ty, cần nhìn dưới góc độ quản trị và cần tuân theo những nguyên tắc quản trị thì sẽ giảm thiểu những rắc rối đáng tiếc ảnh hưởng lên mối quan hệ gia đình lẫn công ty. Các nguyên tắc ấy bao gồm:
“Quân pháp bất vị thân”
Lý tưởng nhất, vợ chồng không nên làm chung. Thậm chí, tại một số công ty Nhật, có một luật bất thành văn là hễ có cặp đôi nào trong công ty chính thức kết hôn thì hoặc anh hoặc chị phải tự nguyện rời khỏi công ty, dù người ấy có đang ở vị trí nào chăng nữa.
Chuyện có vẻ hơi cực đoan nhưng thể hiện một tinh thần “quản trị rủi ro” triệt để. Rủi ro không chỉ đến từ xung đột lợi ích phát sinh từ việc khó xử nhau, nương nhẹ nhau, hay thậm chí cấu kết nhau, … trong quan hệ công việc giữa vợ chồng – đồng nghiệp, mà còn có thể đến từ những mâu thuẫn tiềm ẩn có thể nảy sinh khi vợ chồng va chạm, tương tác trong công việc.
Nếu ngay từ đầu, nguyên tắc “quân pháp bất vị thân” được áp dụng trong việc thiết lập và vận dụng điều lệ công ty, chức năng và nhiệm vụ của từng thành viên trong tổ chức, nhất là của những vị trí chiến lược được phân định rạch ròi trong mô tả công việc và trong hành xử hàng ngày ở công ty thì có lẽ mâu thuẫn đã có thể được kiểm soát và giải quyết rốt ráo hơn?
Tuân thủ luật chơi
Thật ra, nguyên tắc ở đây rất đơn giản – đã tham gia vận hành công ty thì phải tuân thủ điều lệ công ty, dù anh chị là ai! Đã tham gia cuộc chơi thì phải tuân thủ luật chơi!
Nhưng cũng có người biện hộ rằng, tôi là chủ, tôi có quyền đặt ra luật chơi, tôi có quyền thay đổi luật chơi theo ý muốn của tôi, luật chơi do tôi đặt ra, tôi có quyền thay đổi! Nói thế thì không ai cãi được nhưng nói thế thì không “lớn” lên được – doanh nghiệp chỉ loay hoay trong vũng bùn trước sân nhà, không vươn ra biển lớn để hội nhập với cộng đồng, xã hội, và xa hơn với thế giới bao la bên ngoài, vì đã làm lớn thì phải theo luật, không thì sẽ rối cả lên, không sao cất cánh được.
Tập thói quen “quên mình và nhớ mình là ai”
Vậy vợ chồng có thể vừa duy trì mối quan hệ nồng thắm trong gia đình, vừa có thể duy trì mối quan hệ mực thước đúng với chức năng nhiệm vụ đã quy định được hay không?
Ngoài việc phải tuân thủ nguyên tắc phân quyền rạch ròi như đã đề cập, một cách dễ nhớ, dễ thực hiện là hãy cố tập “quên mình là ai, và nhớ mình là ai”! Đã vào công ty là quên mình là vợ chồng ở nhà, nhớ rằng mình đang điều hành công ty, xung quanh mình là rất nhiều con người mà cuộc sống của họ phụ thuộc phần lớn vào sự thành bại của công ty, sự lãnh đạo và điều hành của mình! Đã vào công ty là nhớ rằng giữa hai người giờ là quan hệ cấp trên và thuộc cấp, ông/bà chủ và người điều hành, hay chỉ là quan hệ đồng nghiệp để có những ứng xử phù hợp.
Chuyên nghiệp từ “chuyện nhỏ – xưng hô”
Nói thì dễ nhưng không phải ai cũng có thể rạch ròi hành xử như vậy được. Ở một công ty “tỷ đô” nổi tiếng ở Việt Nam, chồng là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, vợ là phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách hành chánh và mua hàng. Ở nhà, anh chị là một cặp đôi rất hạnh phúc. Công ty anh chị điều hành là điển hình của những tăng trưởng đột phá mang đến những giá trị đích thực cho người tiêu dùng Việt Nam. Những cuộc họp hội đồng quản trị hay ban giám đốc luôn là những buổi thảo luận cởi mở, tranh luận ráo riết, có khi nảy lửa, chúng tôi chỉ nghe anh chị xưng hô một cách rất chuyên nghiệp là Anh A, Chị B với nhau trong các buổi họp này. Tính chuyên nghiệp thể hiện xuyên suốt, dù trong một việc rất nhỏ là cách xưng hô.
Tóm lại, “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Việc quản trị sẽ dễ dàng nếu công ty đặt ra những nguyên tắc ban đầu và người điều hành biết tuân thủ những nguyên tắc ấy. Luật đặt ra là để điều chỉnh hành vi hàng ngày, giúp mọi người tuân thủ nguyên tắc và hành xử đúng mực.
>> Bài học quản trị từ…Tào Tháo
Tags: chồng, vợ, điều hành công ty