“Trồng ngô thì dễ nhưng ngô ra một bắp thì lại phải trồng cây khác. Giờ trồng cây cổ thụ lớn tuy lâu nhưng sau này vừa cho quả vừa cho bóng mát”.
Trên trang cá nhân ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc học viện Kiến thức Nền – Khởi nghiệp thông minh, đã có những chia sẻ về chủ đề đi buôn, kinh doanh và khởi nghiệp. Ông được biết đến là tác giả, diễn giả, nhà đào tạo, nhà sáng lập, CEO Gemslight, chúng tôi xin đăng tải lại bài viết dưới đây.
Phân biệt giữa “Đi buôn”, “Kinh doanh” và “Khởi nghiệp”
Hãy trả lời câu hỏi: “Giá trị của bạn là gì với khách hàng?” và “Tại sao khách hàng nên mua hàng của bạn?”
Tôi thấy rằng, nhiều bạn sinh viên nhắc tới kinh doanh là họ nghĩ ngay đến đi buôn mặt hàng nào đó, và gọi đó là “Kinh doanh”. Thế nhưng, theo cách định nghĩa của tôi, câu chuyện dùng sức mình đi lấy hàng ở một nơi có giá thấp đến bán ở một nơi giá cao hơn là công việc đi buôn, chứ không phải kinh doanh.
Vì ở đây “giá trị chung” bạn mang lại cho khách hàng là rút ngắn khoảng cách mua hàng, và bỏ vốn mua sỉ để được giá ưu đãi. Ví dụ, đáng lẽ khách phải đến tận Trung Quốc để mua và phải mua nhiều mới có giá rẻ hơn thì nay, ở Việt Nam, muốn mua thì trả một chút tiền công cho người buôn. Giá trị chung ở đây là “Vốn” và “Khoảng cách địa lý”.
Như vậy, đi buôn nhỏ lẻ chỉ cần có vốn và có nguồn hàng là có thể thực hiện được. Và hiện nay nguồn hàng thì không thiếu và quá dễ tìm nên người người, nhà nhà có thể đi buôn. Tình trạng này dẫn đến cạnh tranh cao và bắt buộc cạnh tranh bằng giá nếu chung sản phẩm.
Các tình trạng cướp khách diễn ra quá đơn giản khi có đơn vị bỏ tiền chạy marketing. Việc này sẽ khiến chi phí đội lên, giá bán cao hơn và không thể đua với đơn vị cướp khách.
Do đó, đi buôn không bền được.
Nguyễn Minh Ngọc/ CEO Gemslight Company Ltd.
Vậy gọi là “kinh doanh” khi nào?
“Kinh doanh” là khi họ phải xây được một hệ thống bài bản, và người khởi nghiệp là làm ra một hệ thống chứ không phải người đi buôn.
Hệ thống có quy trình bài bản và tự động ở tất cả các khâu muốn bền thì phải buôn hàng chính hãng. Còn nếu buôn hàng thời vụ hay còn gọi là “rác” thì đó là cách trồng nhiều cây ngô chứ không trồng một cây cổ thụ. Mà trồng ngô mãi mệt lắm!
Người làm kinh doanh phải làm ra được một thương hiệu định vị rõ ràng, cam kết được chất lượng và sàng lọc kỹ các sản phẩm. Và từ đó họ tạo ra một thứ gọi là “giá trị riêng 1” – là sự sàng lọc và kiểm định hàng hoá chuẩn. Giá trị riêng này mang lại sự an toàn và an tâm cho khách hàng. Kiểm định càng kỹ càng giỏi thì giá trị riêng càng lớn.
Nếu cùng sản phẩm và cùng khả năng kiểm định hàng chuẩn thì so đến “giá trị riêng thứ 2”. Đó chính là chính sách bán hàng, chăm sóc khách hàng hay còn gọi là “yếu tố con người”. Giá trị này không thể giống nhau được, vì mỗi người khác nhau về sự nhiệt tình, hài hước, đồng cảm,…
Điều bạn cần là làm ra sản phẩm mang thương hiệu riêng của bạn vì xét cho cùng, giá trị về “Khoảng cách” và “Vốn mua sỉ” ngày càng mất đi do ngành ship toàn cầu sẽ bùng nổ. Và khi các doanh nghiệp có thể bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng thì ngành đi buôn sẽ mất dần vị thế.
Vừa mất vị thế, vừa có giá trị mà quá nhiều người có “vốn + nguồn hàng” thì cung dư thừa, dẫn đến lợi nhuận sẽ giảm mạnh về sau. Lợi nhuận dựa trên giá trị mà giá trị bạn thấp và nhiều người có thì lợi nhuận sao cao được!
Xu hướng thế giới bùng nổ ngành ship, Amazon đang đi nhanh với công nghệ ship bằng thiết bị bay và lên ngôi sẽ là những đơn vị sản xuất đưa thẳng hàng đến chủ thể tiêu dùng với giá gốc không cần qua đơn vị thương mại trung gian nữa. Vì thế, nếu nghĩ về lâu về dài, bạn nên chọn chủ thể sản xuất và xây dựng thương hiệu uy tín ngay từ bây giờ. Còn đi buôn thời vụ và chộp giựt mãi thì sẽ chẳng đến đâu.
Trồng ngô thì dễ nhưng ngô ra có 1 bắp lại phải trồng cây khác. Giờ trồng cây cổ thụ lớn tuy lâu nhưng sau này vừa cho quả vừa cho bóng mát. Làm ra một sản phẩm mang thương hiệu của bạn rồi sau này kinh doanh nó mới được gọi là “Khởi nghiệp”.
Tags: khởi nghiệp, kinh doanh, Đi buôn