Phân biệt chi phí chìm và chi phí cơ hội trong quản trị doanh nghiệp

1. Chi phí cơ hội trong quản trị doanh nghiệp

Trong hoạt động kinh doanh, bất kỳ một khoản mục chi phí nào phát sinh đều được phản ánh và theo dõi trên các sổ sách kế toán. Tuy nhiên, có một loại chi phí hoàn toàn không được phản ánh trên sổ sách kế toán nhưng lại rất quan trọng, cần được xem xét đến mỗi khi nhà quản lý lựa chọn các phương án kinh doanh, đầu tư. Đó là chi phí cơ hội (opportunity costs). Chi phí cơ hội được định nghĩa là lợi ích (lợi nhuận) tiềm tàng bị mất đi khi chọn một phương án này thay vì chọn phương án khác.

Ví dụ: Giả sử một người có số vốn là 100 triệu. Người này quyết định mở một cửa hàng bách hóa. Lợi nhuận hàng năm thu được từ cửa hàng là 20 triệu đồng. Nếu như người này không mở cửa hàng mà đem số tiền gửi vào ngân hàng thì anh ta sẽ thu được số tiền lãi là 15 triệu đồng/năm (tương đương lãi suất 15%/năm). Như vậy, số tiền 15 triệu đồng chính là chi phí cơ hội mà người này phải tính đến khi quyết định mở cửa hàng bách hóa để kinh doanh.

2. Chi phí chìm trong quản trị doanh nghiệp

Chi phí chìm là những chi phí đã phát sinh do quyết định trong quá khứ. Doanh nghiệp phải chịu chi phí này cho dù bất kỳ phương án nào được chọn. Vì vậy, trong việc lựa chọn các phương án khác nhau, chi phí này không được đưa vào xem xét, nó không thích hợp cho việc ra quyết định.

Ví dụ: Một trạm thủy điện đã được dự kiến xây dựng với tổng chi phí là 200 tỷ đồng, trong đó đã chi 50 tỷ đồng. Giờ đây, chúng ta tìm được phương án xây dựng một trạm nhiệt điện có cùng công suất với trạm thủy điện, nhưng chi phí chỉ là 160 tỷ. Vậy, phải lựa chọn phương án nào với giả thiết rằng chi phí trong tương lai là giống nhau. Trong trường hợp này, chi phí 50 tỷ đồng là chi phí chìm, do đó không được đưa vào xem xét khi ta quyết định xây dựng trạm nhiệt điện hay tiếp tục xây dựng trạm thủy điện. Như thế, nếu chọn phương án xây dựng trạm nhiệt điện thì chúng ta sẽ chi 160 tỷ đồng, còn phương án tiếp tục xây dựng trạm thủy điện thì chúng ta phải chi tiếp 150 tỷ. Vì vậy, phương án tiếp tục xây dựng trạm nhiệt điện sẽ được lựa chọn vì tổng chi phí là 200 tỷ bé hơn tổng chi phí khi chọn phương án xây dựng trạm nhiệt điện 210 tỷ đồng (cả 2 phương án đều gánh chịu 50 tỷ đã chi trong quá khứ)

Chi phí chìm là loại chi phí mà doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu, bất kể đã lựa chọn phương án hoặc hành động nào.

Do chi phí chìm có ở mọi phương án nên không có tính chênh lệch và không phải xét đến khi so sánh lựa chọn phương án, hành động tối ưu (Chỉ xem xét tới chi phí khác biệt)

Ví dụ 1: Chi phí khấu hao TSCĐ của một chiếc máy là chi phí chìm vì luôn tồn tại trong mọi phương án có liên quan tới việc tiếp tục sử dụng máy đó, hay thay thế bằng máy mới

Ví dụ 2: Một Doanh nghiệp chế tạo cho Công ty A một chiếc máy với giá thành sản xuất thực tế là 200.000.000 đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm giao hàng thì công ty A đã bị phá sản.

Doanh nghiệp đứng trước một trong 2 lựa chọn:

– Chấp nhận cải tạo, sửa chữa chiếc máy này theo đề nghị của khách hàng B.

Hoặc

– Thanh lý chiếc máy đã chế tạo.

Dù lựa chọn phương án nào thì số tiền 200.000.000 đồng đã bỏ ra và doanh nghiệp không lấy lại được nữa, vì vậy 200.000.000 đồng trong trường hợp này là chi phí chìm

Tags: ,