GIAI ĐOAN 1: KHỞI NGHIỆP HÃY TẬP TRUNG VÀO KHÁCH HÀNG VÀ DOANH SỐ
Ex của mình dạy tiếng anh trong một lớp học của 1 người bạn mở trong một quán café ở quận 1, một lần mình hỏi ex:
– Lớp này học viên của em ai đến học?
– Có đủ cả – Ex nói – thanh niên người lớn, một số đi học nhiều trung tâm lớn, mà không có kết quả cũng qua đây học, nhiều người cũng thích học với em.
– Ủa đóng mấy chục triệu đi học không ăn thua gì mà phải qua đây?
– Ừ trung tâm lớn người ta tuyển nhiều giáo viên, nên có người dạy hay người dạy dở nên cũng không kiểm soát được.
– Thế em nhìn một đứa nó đứng dạy em đánh giá được nó dạy hay hay dở không?
– Uhm nói chung dạy thì cần có cái duyên, tiếng anh giỏi chưa chắc dạy giỏi, em nhìn phong cách thì có thể đánh giá được giáo viên có tiềm năng hay không.
– Vậy mai em nộp đơn bỏ việc đi, ra mở trung tâm anh ngữ!
Tháng tiếp theo, ex mình dàn xếp với sếp cũ, mình thì lết xác tới nhà nàng thuyết phục gia đình nàng.
Cuối cùng, bố mẹ nàng đồng ý cho mượn cái phòng khách làm lớp học. Thời gian đầu mình nói nàng tập trung học viên cũ, nhờ người ta biết nàng từ trước nên cũng mở được lớp đầu tiên,
Ngay sau đó mình nói Ex tuyển thêm một giáo viên, trả tiền theo giờ, mình muốn nàng thử quản lý thử 1 giáo viên xem thế nào. Quản lý 1 giáo viên quen rồi sẽ từ từ nâng số giáo viên lên. Để tiết kiệm chi phí có tiền trả giáo viên mình hướng dẫn nàng tận dụng phòng khách, quán cà phê, các phòng học theo giờ để dạy học, vậy nên nàng dăng tuyển với mức lương rất cao nên có nhiều giáo viên muốn ứng tuyển, xong xuôi nàng tập trung mấy đứa em, tổ chức vài buổi học thử, giáo viên lên giảng cứ 5 phút thì ex cho xuống mãi mới tuyển được 1 người.
Thêm được một người thì bắt đầura vấn đề là không đủ lớp cho giáo viên dạy, ex phải nhường lớp cho giáo viên mới, còn nàng lo đi marketing, phát tờ rơi, dán cột điện, chạy facebook ads. Nàng làm từ telesale, tư vấn viên, cho đến dạy học.
Thây ex cực quá, mình mới đi lòng vòng bên ngoài xem có bác nào lo được marketing, sau khi đi một vòng các cao thủ chém gió, vớ ngay 1 bác (tạm gọi là Mr.R), chạy marketing rất tốt nhưng chưa biết kinh doanh cái gì, hai bên hợp tác với nhau. Thế là hắn lo marketing còn ex mình lo chốt sale, dạy học với tuyển dụng giáo viên, mình thì hướng dẫn cho ex tập làm quen cách làm việc với đối tác. Doanh thu bắt đầu đổ về rất nhanh, giờ lại không đủ giáo viên, ex mình lại phải dạy tăng ca, và tuyển dụng giáo viên mới.
Được một thời gian, mình thấy ex không có kinh nghiệm nhiều nên ngỏ ý muốn Mr.R làm quản lý. Mr.R đồng ý quyết định đầu tiên của ảnh thay vì tập trung vào xây dựng đội ngũ sale và marketing và hỗ trợ ex mình tuyển giáo viên mới thì ảnh lại muốn xây dựng văn hóa, và quy trình làm việc chuẩn cho công ty từ đầu, tuyển ngay về một bác MBA từ anh quốc mà ảnh quen biết về làm cố vấn trả lương 15 triệu. Bác cố vấn mới về là lên một đống quy trình, thủ tục văn hóa, test tính cách nhân viên, giáo viên v.v… công ty rối tung. Mình tá hỏa mới cãi nhau um sùm với Mr.R và bàn với Ex đúng 1 tháng phải tìm cách cho lão cố vấn ra đi. Cũng may mà mọi chuyện êm xuôi, dàn xếp được, ex mình sau đó quay về lại vị trí quản lý. Công ty được tổ chức lại theo hướng tập trung ổn định doanh số và nâng cao chất lượng giảng dạy.
GIAI ĐOẠN 2: KHI DOANH NGHIỆP ĐÃ ỔN ĐỊNH VỀ DOANH SỐ HÃY TẬP TRUNG QUẢN LÝ TIẾT GIẢM CHI PHÍ, TẬP TRUNG VÀO NHÂN VIÊN VÀ HỆ THỐNG.
Cách đây một thời gian mình cộng tác trong một hệ thống kinh doanh phân phối các mặt hàng cao cấp từ Mỹ, những người sáng lập đều là những người có kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn rất tốt, họ biết cách tổ chức, huấn luyện đội ngũ bán hàng rất chuyên nghiệp. Họ tận dụng mọi địa điểm từ nhà, quán cà phê, các văn phòng hội thảo, cho đến các hội chợ triển lãm, để tranh thủ giới thiệu về sản phẩm.
Không có gì ngạc nhiên khi doanh nghiệp của họ phát triển rất nhanh doanh thu từ 2-3 tỷ 1 năm đã tăng lên chục tỷ trong vài năm. Mọi người trong doanh nghiệp rất hào hứng. Nhưng sau 5 năm đi vào hoạt động thì tình hình kinh doanh đi xuống.
Ngày xưa team ít người thì hú một cái là tất cả tập trung, lúc thì ở văn phòng, lúc thì ở quán cà phê, lúc thì ở nhà. Giờ đông rồi thì ai cũng có việc riêng nên chẳng có lúc nào mà đông đủ được hết.
Ngày xưa thì phía đối tác cung ứng, đối thủ cạnh tranh, hay các quy định pháp lý thay đổi thì cứ linh động mà thay đổi cách tổ chức cho phù hợp tình hình, bây giờ mỗi một cái thay đổi là phải thông qua các cuộc họp với lãnh đạo, đối tác, đại lý. Hay một cái là toàn dùng hình thức biểu quyết số đông để ra quyết định, nên trong nội bộ lúc nào cũng có một nhóm không tán đồng, ức chế mà chằng nói năng được gì.
Được cái lãnh đạo rất sáng tạo nên cứ lâu lâu lại có ý tưởng mới, ngày xưa mà có ý tưởng gì mới thì ai cũng hào hứng, bây giờ cứ có ý tưởng mới là mọi người thấy mệt vì cứ 10 cái ý tưởng thì chết hết 9,9 cái vì cái công tác triển khai.
Ngày xưa mọi người làm việc rất nhiệt huyết, cứ ở đâu có việc là sắn tay vào làm, bây giờ mình làm thì ngó sang thằng bên cạnh có làm không, ngươi ta bắt đầu đặt vấn đề về quyền lợi mỗi khi làm một công việc gì đó cho tổ chức.
Mình năm lần bảy lượt đề nghị với lãnh đạo là nên tìm chuyên gia về để tư vấn về việc sắp xếp các quy trình làm việc cho quy củ và xây dựng văn hóa. Nhưng có vẻ sếp không quan tâm lắm, cái duy nhất mà sếp quan tâm là doanh số tháng này, năm này là bao nhiêu có đạt chỉ tiêu không.
Có đúng 1 năm thị trường bị chững lại do các quy định pháp lý của nhà nước, khi mà lương thưởng giảm đi, thì những người giỏi nhất trong doanh nghiệp đã sang đầu quân cho đối thủ cạnh tranh mang theo không ít khách hàng và đối tác lớn. Doanh thu bắt đầu rớt không phanh.
===
BÀI HỌC:
Giai đoạn 1: Mới khởi nghiệp đừng đao to búa lớn sứ mạng, tầm nhìn, giá trị gì cả, đừng suy nghĩ nhiều, tìm ra cái mà mình làm tốt nhất, tập trung vào những khách hàng đầu tiên, có doanh số có tiền, rồi tính tiếp, theo thời gian khách hàng và thị trường sẽ dạy cho bạn phải làm gì. Giống như BMW vốn là một hãng chế tạo động cơ máy bay, Toyota sản xuất máy dệt, IBM sản xuất cân và máy thái pho mát…
Văn hóa của doanh nghiệp khởi nghiệp chính là chính bản thân người sáng lập, mình chưa đủ thành công để cộng sự đi theo, chưa đủ tiền lương để giữ chân họ hay thúc đẩy họ làm việc, thì cái thái độ làm việc, nhiệt huyết và cái tình mới là thứ giữ chân anh em, chứ không phải quy định, quy tắc. Muốn người khác nổ lực cống hiến? hãy làm gương!
Giai đoạn này quy trình làm việc phải đơn giản không cần phức tạp để có thể linh hoạt áp dụng được những cái mới cho phù hợp thị trường khi nào tìm được hướng đi rõ ràng hãy quy chuẩn nó ra.Thời gian chủ yếu là lo đi bán hàng, chăm sóc khách hàng đừng mất tg vào giấy tờ sổ sách họp hành.
Giai đoạn 2:
Tiền về rồi thì cần có những người biết vận hành tổ chức, lúc này lại cần những người có trình độ quản lý để hỗ trợ, tham vấn. Người sáng lập lúc này nếu còn giữ vai trò điều hành thì bớt làm việc chuyên môn, học hỏi cách quản lý. Bắt đầu xây dựng hệ thống đo lường đánh giá hiệu quả làm việc của cá nhân phòng ban để kịp thời động viên khen thưởng công bằng. Cụ thể các nét văn hóa hành xử và quy trình làm việc của doanh nghiệp mình dựa trên quá trình làm việc trước đó để đoàn kết khích lệ nhân viên. Như vậy chi phí vận hành sẽ giảm, hiệu suất tăng sẽ làm giãn biên lợi nhuận.
Ngoài ra lãnh đạo doanh cũng bớt ý tưởng lại, bớt lăn tăn mà tập trung vào một tầm nhìn nhất quán, định hình xem doanh nghiệp mình sẽ đi đâu về đâu, và vạch rõ cho toàn bộ nhân viên, cộng sự rõ, lúc này mỗi một sự thay đổi nhỏ về đường hướng, đều phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Thế đây, CEO thì thường áp dụng kiến thức quản lý vào khởi nghiệp, còn anh em kỹ thuật thì áp dụng tư duy khởi nghiệp vào quản lý bảo sao doanh nghiệp không gặp vấn đề.
Nguồn: Son Nguyen
Tags: khởi nghiệp, Quan ly