Giữ chân nhân viên – Làm sao cho hợp tình

Làm thế nào để giữ chân nhân viên luôn là một đề tài gây nhức đầu đối với các ông chủ bà chủ nhỏ khởi nghiệp. Thậm chí đối với các công ty, tập đoàn lớn mạnh thì vấn đề này vẫn là một trong những thử thách gần như thường trực.

Việc nhân viên rời bỏ công ty thường xuất phát từ nguyên nhân họ đã tích lũy đủ kinh nghiệm và muốn tìm những cơ hội mới hoặc khả năng dùng và giữ người của doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả. Đối với người lao động, tên tuổi và hình ảnh của một doanh nghiệp không chỉ được tô vẽ bằng giá trị cổ phiếu hay các chiến lược quảng cáo rầm rộ mà còn gắn liền với chính sách nhân sự và nguồn nhân lực. Để doanh nghiệp hạn chế nhân viên “nhảy việc”, thì các sếp phải ghi nhớ những điều sau

Làm thế nào để giữ chân nhân viên gắn bó với công ty?
Làm thế nào để giữ chân nhân viên gắn bó với công ty?

1.Trước hết là khâu tuyển dụng

Tuyển dụng sai đối tượng thì công ty lớn nhỏ gì cũng không giữ chân được nhân viên lâu dài. Cũng như trong đánh golf, quyết định chọn đúng cây gậy nào (trong số 13 cây) cho từng cú đánh là cực kỳ quan trọng. Chọn sai thì nắm chắc phần thua cho dù cú vung gậy có tốt cỡ nào. Tuyển người phải có khả năng giống như mô tả công việc trong thông tin tuyển dụng. Chớ tuyển người giỏi lĩnh vực này, về lại giao công việc không phải sở trường. Họ chán nản, nghỉ việc thì chớ có hỏi tại sao “công ty rất tốt với em mà em lại nghỉ”

2. Môi trường làm việc tạo sự gắn kết

Môi trường làm việc cũng là một yếu tố quan trọng. Bất kể công ty lớn hay nhỏ, ai đi làm cũng muốn được vui vẻ, sảng khoái. Hoạt động tập thể là môi trường tuyệt vời để nhân viên công ty có cơ hội trò chuyện và trở nên thân thiết với nhau. Thông qua các hoạt động sinh hoạt chung, nhân viên sẽ có thời gian hiểu nhau và có cái nhìn tích cực hơn về những thành viên khác trong cùng công ty, qua đó thắt chặt mối quan hệ bền vững, lâu dài để họ gắn bó hơn trong công việc. Hãy trao cho nhân viên đầy đủ phương tiện làm việc, hãy hỗ trợ nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đừng chờ đến lúc nhân viên cảm thấy bị áp lực, có quá nhiều stress và đành phải nghỉ việc.

3. Chia sẻ định hướng phát triển với nhân viên

Nhiều nhân viên giỏi quyết định ra đi khi mơ hồ về con đường thăng tiến trong tương lai. Số khác băn khoăn khi không biết rõ tiềm năng phát triển của công ty. Việc chia sẻ mục tiêu giữa ban lãnh đạo và nhân viên sẽ giúp tạo dựng niềm tin và sự gắn kết giữa đôi bên.  Một công ty có tầm nhìn cụ thể và phương hướng phát triển rõ ràng sẽ dễ tạo động lực cho nhân viên cố gắng và cống hiến hết mình. Ngược lại, chẳng ai lại nỡ rời bỏ người sếp tâm lý biết lắng nghe những mong đợi của nhân viên và có kế hoạch định hướng, hỗ trợ tốt nhất cho sự nghiệp của họ.

4. Đầu tư các khóa đào tạo về chuyên môn

Một nhân viên khi vào làm, ngoài vấn đề lương thưởng phúc lợi, thì điều họ mong muốn nhất là được đào tạo sâu hơn về nghiệp vụ nghề nghiệp của mình. Các công ty nên thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo nội bộ, hoặc các chương trình đào tạo về chuyên môn, sẽ giúp nhân viên cảm thấy mình được coi trọng, ở lại công ty sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và phát triển bản thân trong tương lai hơn.

Sau khi thực hiện những “chiến lược nhân sự” nhỏ nhưng có võ trên đây, đảm bảo nhân viên của bạn sẽ hừng hực khí thế, dành trọn tâm huyết cho công việc chung của công ty.

 

Tags: ,