Phần mềm Getfly CRM – Trong cuộc đời thú vị của mình, tôi đã gặp hàng nghìn người với những mong muốn rất khác nhau, mong muốn rất cụ thể cũng có, mong muốn rất chung chung cũng có, mong muốn nhỏ cũng có, mong muốn lớn cũng có, mong muốn tốt cũng có, mong muốn xấu cũng có… Và nhiều nhất là những mong muốn thầm kín đầy tham vọng và dục vọng mà được che đậy bằng sự tô vẽ rất lung linh, tốt đẹp và đôi khi trông có vẻ vĩ đại!. Đó nếu không trung thực với chính mình, sẽ trở thành bi kịch khởi nghiệp.
Trông có vẻ tốt
Bi kịch của Doanh nhân là phải “trông có vẻ tốt” thì mới được. Chúng ta có một niềm tin như thế. Thị trường, truyền thông… bắt buộc họ phải thế. Đôi khi một doanh nhân nào đó đêm ngủ mơ toàn ác mộng bởi vì truyền thông, bị dìu dắt bởi marketing đã tạo ra một “hình mẫu doanh nhân” mà chính doanh nhân đó cũng cảm thấy nó xa lạ hoàn toàn với bản thân họ.
Wow, hình mẫu thì cũng tốt thôi, trong phần lớn các trường hợp nó sẽ tạo ra hiệu quả, sẽ giúp “gặt hái” được cái mà chúng ta gọi là “thành công”. Nhưng nếu chúng ta hoàn toàn thật lòng, thì nếu để cái sự “thành công” đó đeo bám mãi, thì cuộc đời sẽ chỉ là một cơn ác mộng triền miên không dứt, là những bi kịch khởi nghiệp dài mãi.
Thật tuyệt vời, đó là một doanh nhân thành công, một người chồng, một người cha mẫu mực! Những câu nói như vậy quen quá nhỉ. Ai cũng muốn một hình mẫu lí tưởng như thế.
Khi lái xe, có lúc tôi hay giỡn với vợ con “Anh là một doanh nhân, một người chồng, một người cha mẫu mực” và con gái tôi ngay lập tức ré lên “Mẹ ơi cho con cái túi ói!”. Trẻ con chúng mới thông minh làm sao!
Con gái tôi thừa biết tôi chẳng thuộc thể loại hình mẫu nào cả, nó biết tất cả mọi thói hư tật xấu của tôi. Tôi đã từng cố gắng phải thế này thế nọ nhưng cuối cùng tôi nhận ra tâm thành và sự hoà hợp hoàn hảo giữa nội tâm bên trong và cuộc sống bên ngoài thì mới là cái mà một con người cần, một con người thực sự cần. Sự trung thực hoàn toàn!
Nhân viên của tôi cũng vậy, họ biết tất cả mọi cái xấu của tôi, nhưng cho đến nay, sau không biết bao nhiêu sự đổi thay, sóng gió bể dâu thì cả cựu nhân viên lẫn những nhân viên đang làm việc đều thực sự xem nơi mà tôi xây dựng là một gia đình. Để xây dựng được những thứ kiểu như vậy, chúng ta cần sự dũng cảm rất lớn.
Cách đây chính xác 10 năm, tôi đã cương quyết rẽ lối sang cách này. Tôi biết là sẽ khó khăn lắm đây. Nhưng tôi cũng biết nếu tôi xây dựng kinh doanh và sống theo cách trung thực hoàn toàn thì một cánh cửa khác sẽ mở ra. Đúng là mọi người đều thích cái “trông có vẻ tốt” nhưng họ sẽ bị chinh phục hoàn toàn bởi cái thật! Nếu không, bi kịch khởi nghiệp sẽ đến khi bạn không trung thực với chính mình.
Một kỉ niệm cách đây nhiều năm trước mà tôi nhớ mãi, khi tái khởi nghiệp thì chuyện vốn liếng đôi khi cũng hụt đầu này thiếu đầu kia. Có những lúc tôi cũng “lực bất tòng tâm” không thể tiếp tục trả lương cho nhân viên.
Tôi họp mọi người, nói thật. Một là tiếp tục làm việc và nhận ½ lương trong 6 tháng, công ty sẽ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, hai là mọi người có thể nghỉ. Tất cả mọi người đều nói cho họ thời gian vài ngày suy nghĩ, vài ngày đó thật dài đối với một doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng như thế. Điều tôi hoàn toàn bất ngờ và bị kích động mạnh là toàn bộ nhân viên đã trả lời tiếp tục làm việc, và sẵn sàng làm việc không lương! Ngay lúc nhận được tin đó, tôi trốn vào WC rửa mặt, vì thực ra đàn ông hay phụ nữ thì cũng sẽ không cầm nổi nước mắt xúc động khi được đối xử như thế. Thật kì diệu là chỉ 2 đến 3 tháng sau, mọi thứ hồi phục trên cả mong đợi.
Chúng ta phải tin vào con người thật sự của mình, đừng bao giờ phải trở thành bất kì “hình mẫu” nào cả, bởi vì sự xung đột nội tâm nhất định sẽ giết chết bạn. Stress chẳng phải từ đó mà ra hay sao?
Làm khởi nghiệp, làm kinh doanh đừng để mình rơi vào cái bẫy của bận rộn và stress, đặc biệt đừng cố sống theo kiểu mẫu, bởi vì với trải nghiệm rất thực của mình, tôi dám cá với bạn dù có thành công cách mấy theo kiểu hình mẫu thì bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng và mãn nguyện đâu! Ngược lại, chính lối sống đó sẽ tạo ra vô vàn xung đột nội tâm, vô vàn những điều tai ương cho chính bạn và những người xung quanh bạn, những người làm việc với bạn.
Một người lãnh đạo, một người quản lý xét về lâu dài thì lại càng cần phải sống trung thực với chính bản thân mình để tránh phải những bi kịch khởi nghiệp không đáng có. Hình mẫu nào rồi cũng có thể sụp đổ, cái lõi của mỗi cá nhân thì mãi còn đó!
Trung thực, trong ngoài hòa hợp & ngược lại
Trung thực, trong ngoài hòa hợp và ngược lại mới có thể mong tránh khỏi những bi kịch khởi nghiệp. Tôi hay uống cafe, hay tiệc tùng. Ở những thành phố sôi động thì những người “look rich” (trông có vẻ giàu) rất nhiều, những người “có tiền” cũng nhiều, nhưng người sống có chất thì hầu như không có, hoặc đếm trên đầu ngón tay. Nếu chịu khó quan sát bạn sẽ thấy thế tục này rất buồn cười. Thật đấy, quan sát đi nhé.
Rồi hãy quan sát thật kĩ những doanh nhân mà bạn đang thần tượng, quan sát với chiều sâu xem thử họ đang bị giật dây con rối khi cố sống theo hình mẫu hay là sống theo cái thực chất của họ. Họ phát biểu theo sách vở hay nói ra lời tận đáy lòng họ. Tôi biết là khó phân biệt, nhưng hãy thử xem. Nếu bạn chơi trò chơi quan sát này, cuộc sống sẽ bắt đầu thú vị cực kì. Và bạn sẽ bắt đầu khám phá ra những kênh mới của cuộc sống, nó sống động hơn rất nhiều, chứ không cứng nhắc như những hình mẫu doanh nhân ma nơ canh.
Tôi đã từng nghe một doanh nhân đình đám chia sẻ rằng ông ta lãnh đạo từ trái tim, trời ơi bao nhiêu là người ngưỡng mộ. Nhưng nhân viên của ông ta thì ngay cả tiêu chuẩn tối thiểu của nghề nghiệp cũng không thể đáp ứng. Chính tôi đã từng trở thành nạn nhân. Tôi nhận ra “từ trái tim” theo lời ông ta nói chỉ là sách vở. Còn nhân viên công ty đó làm việc rất bừa bãi, kiểu ghét chủ đến tận đáy lòng, chỉ vì quyền lợi, ích kỉ vô trách nhiệm, mà không phải là thiểu số, cả công ty như vậy mới đáng sợ, thành văn hoá luôn. Tôi suýt chết (nghĩa đen) vì nhân viên ở đấy vô trách nhiệm, cẩu thả ngay cả đối với tiêu chuẩn an toàn tối thiểu.
Cho nên hãy quan sát thật kĩ, thật sâu sắc chứ đừng vội nhìn vào cái hào nhoáng, cái “có vẻ tốt” bên ngoài. Để tạo dựng được những tiêu chuẩn tốt thực sự cho doanh nghiệp, một lãnh đạo phải như kiểu Steve Jobs, cực đoan cùng cực nhưng thực ra đó mới chính là đạo đức.
Thế giới dần phẳng, chúng ta không thể nào đem cái “có vẻ tốt” để đọ với cái “thực sự tốt” được đâu! Mà muốn làm ra cái “thực sự tốt” thì phải cực kì tỉnh táo, cực kì trung thực mới có thể bắt đầu xuất phát và tránh khỏi bi kịch khởi nghiệp để biến điều đó thành hiện thực.
Tất nhiên, những doanh nhân kiểu cũ thì chịu rất nhiều ràng buộc, họ sẽ rất khó để thay đổi, nhưng nếu không thoát ra thì sẽ bị nhấn chìm vào quá khứ, thế thôi!
Mấy chục năm trước, một đại gia cũ hỏi một thằng oắt con nay đã thành đại gia mới rằng anh ta có cái gì mà đòi nói chuyện ngang hàng với kẻ hơn mình cả triệu lần. Thằng oắt con đã nói: Tôi chẳng có gì ngoài tầm nhìn và sự trung thực với bản thân mình!
Chỉ có trung thực với bản thân mình, ta mới thoát khỏi những sợ hãi nhỏ nhặt của hiện tại để quyết liệt xây dựng tương lai theo tầm nhìn của mình.
Tôi nghĩ cộng đồng khởi nghiệp chúng ta phải nghĩ lớn, làm nghiêm túc, trung thực tối đa và nhìn xa trông rộng thì mới mong “bắt kịp” chứ đừng nói vượt mặt những anh lớn trên thế giới, mà không, những anh trung bình thôi còn chưa vượt nổi. Chúng ta nhỏ nhưng làm ăn đàng hoàng thì người ta sẽ tới, sẽ hợp tác, sẽ giúp đỡ. Nhưng tốt thì phải tốt thật, đừng “có vẻ tốt”. Chúng ta “có vẻ tốt” lâu quá rồi, đã đến lúc phải thay đổi tận gốc rễ chuyện đó.
Bi kịch khởi nghiệp theo tôi chính là không nhìn ra điều cốt lõi cần phải làm, và làm lâu dài. Thiếu tâm thành thì mọi chuyện tiếp diễn sau đó thật kinh khủng. Cố vẽ một vẻ ngoài tốt như thánh để kiếm chác là chuyện người ta vẫn đang làm. Nhưng tin tôi đi, họ đang huỷ hoại đời họ không thương tiếc đấy! Bạn có muốn tự huỷ hoại đời mình bằng vỏ bọc, sự giả dối và trói buộc vào tiền bạc, sự thành công không?
Tôi biết là sau bài viết này, sẽ có những “chuyên gia”, những “doanh nhân” bắt đầu nói về “cái thật”! Vâng, thật vẫn không là thật, thế mới quái, là hỗn loạn thật giả. Cho nên phải tỉnh táo và sáng suốt để quyết định hướng đi cho mình, đúng không nhỉ?
Nếu không trung thực với chính mình, thì bi kịch khởi nghiệp trước sau sẽ đến. Cuối cùng, là tự hủy hoại cuộc đời của mỗi người Doanh nhân.
>> Khóc cười chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ
Tags: bi kịch khởi nghiệp, khởi nghiệp, trung thực với chính mình