Bạn có được sinh ra để làm doanh nhân?

Phần mềm Getfly CRM – Tôi xuất thân từ dân kinh tế học, chuyên nghiên cứu các lý thuyết kinh tế, các vấn đề vĩ mô, chính sách… còn đối với kinh doanh gần như là người ngoại đạo. Từ khi tham gia vào group tôi đã học hỏi được rất nhiều từ những doanh nhân, chuyên gia với những kiến thức thực tế và hữu ích về kinh doanh. Để đóng góp thêm cho hoạt động của group, tôi mong được chia sẻ những kiến thức kinh tế học ứng dụng trong kinh doanh và tài chính khởi nghiệp cho các bạn trong nhóm. Những kiến thức này hơi mang tính “học thuật”, mong rằng sẽ giúp các bạn trong nhóm có thêm nền tảng vững chắc về kinh tế và tài chính trong hành trang của mình.

Có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta trước khi khởi nghiệp đều tự hỏi: “MÌNH CÓ ĐƯỢC SINH RA ĐỂ LÀM DOANH NHÂN KHÔNG?” Bất kỳ ai cũng có thể trở thành doanh nhân nhưng để trở thành doanh nhân có cần những tố chất bẩm sinh nào không? Bài viết này chỉ thảo luận hai góc độ: thái độ của một người đối với tiền và rủi ro.

doanh nhân thành đạt
doanh nhân thành đạt

Tiền thì ai cũng thích, nhưng mức độ thì khác nhau. Khi thu nhập là 1 triệu, có thêm 1 triệu thì vô cùng hạnh phúc. Khi thu nhập là 10 triệu, có thêm 1 triệu thì vẫn rất sung sướng. Nhưng thu nhập là 100 triệu, có thêm một triệu chắc không thích nhiều nữa. Còn thu nhập là 1 tỷ thì có lẽ có thêm 1 triệu không có nhiều ý nghĩa lắm. Nếu bạn cũng nghĩ như vậy thì bạn thuộc tuýp người “không thích tiền lắm”. Khi bạn càng có nhiều tiền, việc kiếm thêm tiền sẽ càng ít ý nghĩa đối với bạn. Trên đồ thị, bạn chính là người B: khi tiền càng tăng, hữu dụng của tiền đối với bạn sẽ tăng chậm dần và dần nằm ngang. (Hữu dụng – utility: lợi ích mà bạn cảm nhận được khi sở hữu một số tiền nhất định). Khi đã “đủ giàu”, có lẽ bạn sẽ không tập trung vào việc kiếm tiền nữa mà tập trung vào những khía cạnh khác của cuộc sống nhiều hơn: văn hóa, nghệ thuật, du lịch, gia đình, sức khỏe, hoạt động xã hội, môi trường…

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao nhiều doanh nhân đã rất giàu rồi nhưng vẫn không ngừng làm việc, không ngừng kiếm tiền? Ngay cả ở Việt Nam cũng đã có những doanh nhân “tỉ đô”, nếu chỉ thuần túy là kiếm tiền cho nhu cầu sử dụng thì tiền của họ đủ xài nhiều đời rồi, còn nỗ lực làm gì nữa? Nếu bạn cũng không bao giờ thấy đủ giàu cả thì có thể bạn là người “rất thích tiền”, nghĩa là có tiền càng nhiều tiền thì bạn càng thích. Trên đồ thị, đường tổng hữu dụng của bạn là đường A. Đường này ngày càng dốc lên khi có nhiều tiền nên không bao giờ bạn cảm thấy “đủ tiền” cả. Và bạn vẫn giữ được động lực mạnh mẽ để tiếp tục kiếm thêm tiền bất kể mình đã giàu đến mức độ nào.

sinh ra để trở thành 1 doanh nhân thành đạt
sinh ra để trở thành 1 doanh nhân thành đạt

Một điều đặc biệt thú vị mà tôi khám phá ra, ai càng thích tiền thì càng “thích rủi ro” và người không thích tiền lắm thì lại “sợ rủi ro”. Nghe tới rủi ro, theo phản xạ chúng ta nghĩ tới những điều tệ hại như thất bại, thua lỗ, đóng cửa công ty, mất tiền… nhưng thực tế rủi ro chỉ thể hiện mức độ không chắc chắn trong kết quả của một phương án. Ví dụ, khi bạn có 100 triệu bạn có thể chọn gửi ngân hàng, gần như chắc chắn bạn sẽ nhận được tiền lãi (vd: 7%/năm) là 7 triệu nên đây là phương án không có rủi ro. Còn nếu bạn dùng số tiền này để mở quán cà phê thì sẽ có nhiều khả năng có thể xảy ra với xác suất khác nhau. Vd: có khả năng là bạn lời 20, 30, 40 triệu/tháng mà cũng có thể là lời ít hơn: 10, 5 triệu/tháng, cũng có thể bạn hòa vốn hoặc bị lỗ… Vì có nhiều khả năng khác nhau có thể xảy ra nên phương án này có mức độ rủi ro cao hơn phương án gửi ngân hàng.

Người sợ rủi ro có xu hướng né tránh rủi ro. Trong trường hợp đối mặt với rủi ro, họ chấp nhận bỏ tiền ra để một bên khác gánh dùm rủi ro. Ví dụ: mua bảo hiểm cho rủi ro – đây chính là cơ sở cho sự tồn tại của ngành bảo hiểm. Còn người thích rủi ro thì sẵn lòng bỏ tiền để được tham gia vào tình huống rủi ro: cá độ, đánh bạc, mua Vietlot… Điều này có vẻ như khá tiêu cực nhưng chính khả năng chấp nhận rủi ro mới giúp cho một người dám bỏ tiền ra đầu tư hay kinh doanh – những phương án luôn có độ rủi ro cao – để mong thu lại mức lợi nhuận cao hơn. Có một nguyên tắc bất di bất dịch trong kinh tế: lợi nhuận cao luôn đi với rủi ro cao.

Đến đây thì chắc bạn đã thấy được ai mới là người thích hợp để làm doanh nhân: đó chính là người “thích tiền” và “thích rủi ro”. Việc thích tiền tạo cho họ động lực mạnh mẽ để nỗ lực mở rộng kinh doanh, gia tăng lợi nhuận bất kể đã giàu đến mức nào. Ngoài ra, họ cũng dám chấp nhận rủi ro để tìm kiếm những phương án kinh doanh hay đầu tư có thể mang lại lợi nhuận cao hơn. Nhiều khả năng là họ sẽ thất bại, nhưng họ sẽ học hỏi từ thất bại và tiếp tục làm lại. Khi thành công thì giá trị họ đạt được có thể cao hơn nhiều so với khoản thua lỗ trong các thương vụ thất bại.

Còn những người “không thích tiền lắm” thì sao? Nếu bạn cảm thấy đó là mình thì không việc gì phải buồn. Bạn vẫn hoàn toàn có thể kinh doanh hay đầu tư để kiếm tiền, và khi đã “đủ giàu” thì bạn có thể không cần tập trung vào việc kiếm tiền nữa mà tận hưởng cuộc sống và làm những gì mình thích. Và một xã hội không thể nào toàn là những doanh nhân mà có rất nhiều vị trí, công việc cho những người khác. Mỗi người sẽ được sinh ra với tài năng, đam mê khác nhau để thực hiện các vai trò, chức năng khác nhau trong xã hội. Chúng ta chỉ cần làm đúng điều mình được sinh ra để làm và sống trọn vẹn là đã quá đủ rồi.

Nguyễn Văn Thảo – MPP Chương trình Fulbright.

>>> Tư duy kinh doanh: Cốt cách nhà lãnh đạo

Tags: