4 bí quyết giúp lựa chọn và thu hút các freelancer giỏi

Phần mềm Getfly CRM – Ngân sách quá thấp để đàm phán với freelancer, sản phẩm làm ra của freelancer không như bạn mong đợi, hay bị freelancer từ chối sau khi đưa ra yêu cầu công việc; lý do nằm ở đâu? Thuê freelancer chất lượng cao đang là một vấn đề khá hóc búa dành cho các doanh nghiệp.

Không phải lúc nào các doanh nghiệp cũng cần một người làm thiết kế (desginer) hay chuyên viên phát triển phần mềm (deverloper), do đó freelancer chính là giải pháp cơ động nhất. Dưới đây là 4 bí quyết giúp các doanh nghiệp lựa chọn và thu hút được những freelancer chất lượng.

1. Hãy tìm những người chuyên nghiệp

Hãy tìm cách đảm bảo rằng, freelancer bạn thuê là một người chuyên nghiệp trong công việc mà bạn giao cho họ. Đừng thuê một freelancer thiếu chuyên nghiệp chỉ để tiết kiệm chi phí. Vì rất có thể công việc của bạn sẽ gặp gián đoạn vì những người thiếu chuyên nghiệp như vậy.

Theo chia sẻ của chị Trang, người tổ chức sản xuất của nhiều chương trình truyền hình, và sự kiện như Rock Storm, Heineken Countdown, The Voice, một người có khá nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm các freelancer. “Tôi đánh giá qua sự sáng tạo, tinh thần làm việc và trách nhiệm là chính. Có nhiều freelancer làm việc với tinh thần làm thì làm, không thì thôi, thì cho dù giỏi đến mấy tôi cũng không muốn hợp tác freelancer… Tôi từng gặp trường hợp là làm việc mãi chưa hợp được ý. Mặc dù các sản phẩm trình bày đều có vẻ ổn, cách mà họ thuyết phục mình cũng ổn, nhưng có lẽ năng lực thuyết trình tốt hơn năng lực hành động chăng? Và lần đấy tôi phải hủy sản phẩm đó và trả nửa phí thuê ban đầu, vì họ sửa hoặc làm mãi mà không hợp được phong cách mình muốn”.

Ở góc độ “người lao động”, anh Vinh – một nhà thiết kế đồ họa (graphich designer) trẻ hiện đang hoạt động freelancer, cho rằng, trong trường hợp đối tác trả giá không được cao mà mình đã đồng ý tham gia dự án, thì sản phẩm làm ra vẫn phải đảm bảo chất lượng. Anh nhấn mạnh: “Không phải vì đối tác trả ít tiền mà mình làm sản phẩm kém được, như vậy là không chuyên nghiệp. Một khi tôi đã nhận dự án nào thì nhất định phải làm tốt nhất có thể, chứ nếu làm ra sản phẩm kém chất lượng thì cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của mình sau này”.

Các freelancer dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư cũng đều có danh mục sản phẩm (portfolio), để trình bày các sản phẩm đã từng làm. Dựa vào đó, các khách hàng sẽ dễ dàng tiếp cận các bạn hơn. Sau khi xem các sản phẩm được công bố, mới trực tiếp liên hệ để trao đổi, tóm tắt những gì mình cần ở họ.

2. Ưu tiên người đam mê công việc

Trước khi thuê bất kỳ freelancer nào hãy hỏi họ “bạn có đam mê với công việc này của bạn không?”. Đam mê rất quan trọng, nó giúp người freelancer, đặc biệt là các freelancer trong các ngành sáng tạo cống hiến cho bạn nhiều hơn 100% công suất của họ.

Giữ được lửa trong công việc, và có thái độ cầu thị là điều mà các nhà tuyển dụng cần nhớ khi thuê một freelancer. Một freelancer ít kinh nghiệm nhưng có đam mê với nghề, đặt dưới sự chỉ dẫn của bạn, sẽ tốt hơn một người đã hết lửa với công việc và chỉ làm vì tiền. Những giới hạn về kỹ thuật sẽ không phải là vấn đề với những người có đam mê với công việc, và bạn – người thuê freelancer, chính là người được hưởng lợi trong việc gợi cảm hứng làm việc cho họ.

3. Chi trả hào phóng hơn

Chi phí chắc chắn là một bài toán nan giải, khiến mọi doanh nghiệp và nhà tuyển dụng trở nên khó khăn khi tìm kiếm freelancer. Nhưng bạn nên nhớ chất lượng công việc của bạn tỷ lệ thuận với mức phí bạn trả cho họ. Khi thuê một freelancer hãy ngồi lại với họ và tìm hiểu xem mức phí bạn trả cho họ có làm họ vừa lòng không, hãy trải lòng và thật công tâm để làm rõ với họ về vấn đề này.

Có thể tiền bạc, tại các nước phương Đông như Việt Nam, là một vấn đề nhạy cảm, nhưng chỉ khi các freelancer cảm thấy mức phí bạn trả xứng đáng để họ bỏ công sức thì công việc của bạn mới đạt chất lượng tốt nhất được.

Một mẹo nhỏ mà các nhà tuyển dụng có thể cân nhắc áp dụng khi làm việc với freelancer, khi đàm phán về mức phí bạn trả cho freelancer, hãy trả cao hơn 5-10% giá mà họ đề xuất. Sự hào phóng sẽ giúp cho các freelancer có được cảm hứng khi làm việc với bạn.

4. Đàm phán về đặc lợi

Nếu như bạn là chủ một doanh nghiệp nhỏ, có ngân sách eo hẹp, không có khả năng hào phóng chi trả cho các freelancer, hãy thử đàm phán với họ về những đặc lợi khi thực hiện dự án của bạn. Thù lao rất quan trọng, tuy nhiên nếu biết cách đặt vấn đề, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể giảm chi phí khi đưa ra các đặc lợi khác thay thế cho tiền mặt.

Rõ ràng, việc đàm phán với các freelancer có những đặc thù nhất định, và không phải lúc nào câu chuyện cũng phải giải quyết bằng tiền mặt. Bản thân các freelancer cũng luôn sẵn sàng trao đổi công sức làm việc của họ với bạn bằng những đặc lợi, mà chỉ riêng doanh nghiệp của bạn mới đem lại cho họ.

Thù lao trong công việc thì với ai cũng quan trọng, nhưng không phải lúc nào số tiền mà khách hàng sẵn sàng bỏ ra cũng được như freelance mong muốn.  Nếu như cảm thấy mức thù lao nhận lại không đủ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đối với khách hàng thì nên thương lượng, hoặc từ chối. Tuy nhiên thực tế thì cũng có nhiều công việc mà freelance vẫn nhận dù mức thù lao không cao, vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì sếp công ty thuê rất “khủng”, công ty đấy có nhiều tiếng tăm, hay có cơ hội để học tập cái mới.

Tổng hợp

>> Thu hút nhân tài: Nghệ thuật của sếp giỏi

Tags: