Văn hoá chào – Văn hoá đi lại trong công ty

Dạo gần đây, đọc bài của các Anh/chị/em về việc chúng ta phải gạt bỏ đi sự lười biếng, gạt bỏ đi những việc như ca thán, than thở, trách móc, đổ lỗi… trong số đó có những bài viết rất hay của chị Lan Phan Bercu. Ngoài ra còn có rất nhiều bài về văn hóa, tác phong, cách áp dụng sao cho hiệu quả vào Doanh nghiệp, Công ty… của các Anh/chị/em khác thật sự rất bổ ích. Xin phép các Anh/Chị/Em, trong bài viết Khoa xin xưng danh tên của mình.

Khoa xin nói đến một phần nhỏ thôi trong văn hóa doanh nghiệp để có thể ít nhất là tạo năng lượng, và tạo hứng khởi cho một ngày mới. Đó là Văn hóa Chào và Văn hóa đi lại trong công ty,

Văn hoá chào

Khoa may mắn khi đã có cơ hội được trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau của các doanh nghiệp nên cảm nhận được phần nào Văn hóa Chào cũng khác biệt, nhưng chung quy thì Văn hóa Chào ở các doanh nghiệp và xuất phát từ Ban lãnh đạo là muốn các thành viên trong một tổ chức chúng ta có sự kết nối với nhau hàng ngày – có sợi dây liên lạc – đoàn kết (mà chưa cần tới Team Building và các hoạt động Internal khác). Và dễ nhận ra là ở đâu Văn hóa Chào đặc biệt thì sự kết nối và các việc cạnh tranh nhau không lành mạnh tại công ty là hầu như rất ít và không có.

Các kiểu văn hóa Chào mà Khoa đã từng gặp và bản thân mình thực hiện

1. Văn hóa Chào theo kiểu tập trung đầu tuần hoặc cuối tuần

Khoa còn nhớ tại một công ty về Bất Động Sản, mọi người tập trung tại sảnh chính công ty (toàn bộ các phòng ban) – chúng ta cùng nhau ca bài hát Quốc Ca – rồi sau đó sẽ là tiếp nhận những thông tin từ Ban lãnh đạo, rồi khen thưởng trong tuần cho những cá nhân xuất sắc và định hướng trong tuần tiếp theo… Các chào này còn xuất hiện nhiều ở các Doanh nghiệp, Công ty nhà nước, Ngân hàng… nhưng thường là chỉ hát Quốc Ca. Sau khi chào thì các phòng ban quay lại làm việc, không biết cảm giác của các Anh/chị/em khi tham gia buổi chào này như thế nào nhưng mỗi lần hát Quốc Ca thì cảm giác nó rất hào hùng (đặc biệt nếu Anh/chị/em đã từng tham gia một sự kiện lớn như Thể thao Việt Nam đoạt huy chương vàng các giải thi đấu hát bài hát này sẽ thấy trong mình luôn tràn đầy năng lượng). Công ty này mà Khoa công tác thì số lượng Cán bộ CNV nằm trong khoảng 200 người.

2. Văn hóa Chào theo kiểu tập trung một đến hai buổi 1 tháng.

Đây là giai đoạn Khoa làm việc tại công ty về Thương mại điện tử với số lượng nhân sự là hơn 100 người. Thường thì tập trung vào một buổi giữa tháng hoặc đầu tháng để tổng kết hoạt động nguyên 1 tháng trước và khen thưởng cá nhân, tập thể xuất sắc. Và ngoài ra thì sẽ nghe Ban lãnh đạo trình bày về các công việc, định hướng trong tháng tiếp theo hoặc giai đoạn tiếp theo để kích thích tinh thần làm việc hăng say cho nhân viên – ngoài ra còn giới thiệu nhân viên mới, chúc mừng sinh nhật… Tập trung vậy thì chúng ta được gì => đó là ít nhất chúng ta còn biết có nhân sự nào đang làm ở công ty (các Anh/chị/em thấy đó đối với bộ phận Sales thì hay gặp các bộ phận khác nhất nhưng có một số bộ phận như Kế Toán ít khi nào làm việc nhiều với Nhân Sự chẳng hạn – và các thành viên đến hay đi cũng không ai biết) vậy rất cần một buổi tập trung như vậy để chúng ta còn biết mặt nhau và biết là công ty đang có nhân sự này “tồn tại” và đóng góp cho công ty.

3. Văn hóa Chào theo kiểu có bài hát riêng – có đoạn văn riêng – có câu chào riêng

Văn hóa Chào này thì khá là khác biệt – vì Doanh nghiệp có bài hát riêng hoặc kiểu chào theo cách riêng của Doanh nghiệp đó. Kiểu chào này cũng tập trung tại sảnh chính vào ngày đầu tuần và số lượng nhân viên lúc Khoa còn làm nằm trong khoảng 40 nhân sự. Các nhân sự tập trung lại và cùng hát một bài hát của Doanh nghiệp, sau đó kích thích tinh thần của các nhân sự thông qua các hình thức như cùng vận động cơ thể, cùng chơi một số trò chơi nhỏ, cùng hô lớn một khẩu hiệu nào đó (thường thì nói tên công ty cùng Slogan ). Sau đó sẽ là các nội dung khác cũng giống với kiểu Văn hóa Chào thứ 2. Khi thực hiện kiểu Văn hóa Chào này, Doanh nghiệp của bạn đã thực sự có chút khác biệt rồi đó, Khoa còn nhớ một số đối tác khi đến đúng giờ bên Doanh nghiệp Khoa làm lúc đó đang thực hiện đều nhận xét Doanh nghiệp này hay và vui thật. Các nhân sự còn cài cả nhạc chuông công ty vào điện thoại – chế độ nhạc chờ.

4. Văn hóa Chào theo kiểu hàng ngày

Đối với Khoa thì Khoa thích văn hóa Chào này nhất – đó là giai đoạn Khoa còn làm bên một nhà phân phối sản phẩm Tin Học. Và đến giờ vẫn thực sự rất nhớ Doanh nghiệp cùng như người sếp bên này. Doanh nghiệp này có khoảng 30 nhân sự thôi, và một yêu cầu nhỏ của sếp đối với Văn hóa Chào tại đây là cứ mỗi buổi sáng khi vào Công ty không phân biệt Con trai hay Con gái – việc đầu tiên là bắt tay nhau và cất lời Chào (nếu bạn đến sớm thì bạn sẽ nhận được cái bắt tay và lời chào trước từ những người đến sau và bạn đến càng sau thì bạn sẽ phải đi bắt tay hết mọi người và cất lời chào trước – kể cả sếp cũng vậy nhé). Thật sự rất ấn tượng vì mỗi ngày chúng ta bắt tay lẫn nhau là chúng ta đã giao tiếp qua nhau không chỉ qua lời nói mà kèm cả hành động – đây là Văn hóa Chào để các nhân sự thấy được Sếp hay nhân viên đều làm việc tại chung công ty và cùng chung một chí hướng – cùng hỗ trợ nhau.

Văn hóa Chào còn rất đa dạng và theo từng loại hình Doanh nghiệp – nhưng đối với Khoa Văn hóa Chào thật sự rất quan trọng – vì nó giúp chúng ta có một khởi đầu cho ngày mới để làm việc hoặc khởi đầu cho một tháng mới để phấn đấu. Ngoài ra còn là sợi dây liên kết giữa các thành viên với nhau, hãy áp dụng Văn hóa Chào thường xuyên các Anh/chị/em nhé !

Văn hoá đi lại

Khoa chia sẻ thêm thông tin về Văn hóa đi lại vì nó cũng khá hay
Không chỉ với Văn hóa Chào, phong cách đi đứng nơi làm việc cũng là hành vi mà mỗi người nhân viên cần quan tâm và thực hiện thường xuyên, đó là:
– Đi không quá vội vàng, hấp tấp nhưng cũng không quá chậm;
– Khi giao tiếp không được để tay trong túi quần;
– Phải biết nhường lối cho người lớn tuổi, cấp trên, phụ nữ. Nếu muốn đi trước, vượt lên cần xin phép;
– Khi đi lại trong Công ty không khoác vai, nắm tay hoặc có cử chỉ khiếm nhả;
– Không dựa vào tường hay bất cứ vật gì xung quanh khi đang nói chuyện với người khác.
Nếu thực hiện tốt các hành vi trên, mỗi chúng ta sẽ tự nâng cao giá trị của bản thân tại nơi làm việc; từ đó tạo nên được hình ảnh một tập thể văn hóa với những nét đặc trưng đã hình thành từ những ngày đầu xây dựng Văn hóa doanh nghiệp của Công ty.

Xin cám ơn các Anh/chị/em đã dành thời gian đọc bài

Trần Việt Khoa
Giám Đốc Kinh Doanh và Marketing – Khám Phá Bản Thân
P/s: Văn hóa đi lại có tham khảo từ Google
#vanhoachao_vanhoadilai
#QTvKN

Tags: ,