Quản trị năng lượng trong quản trị nhân sự

Phần mềm Getfly CRM – Mình thực sự phân vân không biết trong các tài liệu chính thống về nghề quản trị nhân sự có cụm từ quản trị năng lượng hay không, tuy nhiên mình đã mường tượng ra từ những ngày đầu làm doanh nghiệp.

Quản trị năng lượng trong quản trị nhân sự là gì? Trong nhiều năm chúng ta làm doanh nghiệp, sẽ luôn có những người gắn bó lâu dài với chúng ta, thậm chí đi từ những ngày đầu. Rồi bỗng một ngày họ làm không tốt công việc của mình và ảnh hưởng đến người khác, rồi nhiều ngày tiếp theo họ vẫn làm không tốt? Chúng ta sẽ làm gì? Cho họ nghỉ? Tiếp tục giữ họ lại? Hay luân chuyển công việc? Nên nhớ, họ là những tế bào đầu tiên của doanh nghiệp, và họ rất quan trọng, kể cả trên khía cạnh tinh thần!

Sau nhiều lần tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu nhân sự thay đổi, nhiều người đến, nhiều người đi, mình nhận ra một sự thực rằng đến một lúc nào đó, những người đã từng làm việc rất tốt bỗng nhiên trở nên sa sút, và càng ngày càng bị tụt lại phía sau so với những người mới. Hoặc những người vốn dĩ được mình kỳ vọng nhiều hơn, nhưng chỉ làm công việc một cách dưới ngưỡng bình thường…

Mình coi việc quản trị năng lượng đơn giản là việc đảm bảo sức khoẻ về tinh thần của nhân sự, và của toàn công ty. Giống như biểu đồ hình sin, có thể lên, có thể xuống, nhưng cần phải giữ ở mức ổn định và tuyệt đối không để vượt tầm kiểm soát. Giải pháp cho việc đảm bảo năng lượng của nhân sự luôn ở trạng thái tốt nhất, mình gọi là CHỈ SỐ AN TOÀN, bao gồm:

1. Thời gian làm việc tại công ty: Một người làm việc trên một năm tại công ty đương nhiên có tỷ lệ gắn bó lâu hơn một người vẫn còn đang thử việc.

2. Thời gian dạy/học: Một người tham gia vào công ty sẽ có những module kiến thức cần học và cần được training. Khi họ đã được training, họ cần training (dạy) lại cho người mới. Một người đảm bảo được số giờ dạy/học, sẽ có đủ kiến thức áp dụng cho công việc, sẽ nhận được sự tôn trọng (biết ơn) của các thành viên khác. Và một người có số thời gian dạy nhiều, sẽ luôn tốt hơn một người chưa bao giờ dành thời gian dạy cho ai.

3. Giờ làm ổn định: Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng máy chấm công, tuy nhiên chúng ta chưa thực sự sử dụng hết sức mạnh của chiếc máy chấm công đó. Hãy thử biểu diễn những dữ liệu chấm công của nhân sự theo số lần nghỉ trong 1 tháng, hoặc tổng số giờ làm trên 1 ngày… Quản trị năng lượng bằng cách này chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi biểu đồ tưởng như không có logic mà lại thực sự liên quan đến chất lượng công việc cũng như năng lượng của nhân sự đó. Nếu một nhân sự làm việc không hiệu quả, sẽ chán đến công ty, và thường có xu hướng đi muộn về sớm, hoặc tần suất nghỉ nhiều hơn.

4. Hiệu suất công việc: Dữ liệu được đánh giá từ CRM/Tasks, từ các phòng ban, và trực tiếp từ người lãnh đạo doanh nghiệp. Bất cứ ai cũng sẽ có đôi lần sai sót trong công việc, nhưng chúng ta phải biết vì sao lại sai? Và liệu sau này có lặp lại hay không! Nếu hiệu quả công việc tự nhiên không tốt, mà giờ làm cũng tự nhiên bất ổn định, thì đó không còn là… tự nhiên nữa!

5. Tham gia hoạt động ngoại khoá: Một nhân sự không tham gia được bất cứ hoạt động ngoại khoá nào của doanh nghiệp, rất khó để hoà đồng và làm việc nhóm tốt. Sẽ luôn có những chương trình phù hợp với người hướng nội, và hướng ngoại, vấn đề ở đây, ai là người tham gia? Nếu doanh nghiệp của bạn có hệ thống quản lý hoạt động ngoại khoá thì quá tốt, nếu không hãy thử tổng hợp lại tất cả các hoạt động trong 3 tháng gần đây, ai là người không tham gia bất cứ một hoạt động ngoại khoá nào?

Không phải dễ dàng gì để nói điều này, nhưng rồi sẽ đến một lúc chúng ta không còn là người làm tốt, không còn là người phù hợp ở vị trí này, và các bạn nhân sự cũng vậy. Vì cơm áo gạo tiền, vì biến cố gia đình, vì sức khoẻ, vì những mục tiêu lớn trong cuộc đời? Vậy ai sẽ là người thông cảm cho chính chúng ta, hay cho nhân sự của chúng ta, nếu không phải là những người quản lý doanh nghiệp?

Hãy thử một ví dụ nhỏ, nếu bạn biết trước việc một nhân sự cực kỳ giỏi của bạn đang có ý định nghỉ việc vì vấn đề gia đình, bạn đừng ngần ngại mà gọi riêng ra tâm sự: “Đợt này anh thấy em mệt mỏi, chắc có nhiều việc phải nghĩ, hay là em nghỉ 1 tháng cho thoải mái tinh thần rồi sau đó quay lại làm việc cho tập trung? Anh ủng hộ!”, chỉ cần như vậy thôi, mọi thứ sẽ rất khác!

Hãy học cách lắng nghe và thấu hiểu và học cách quản trị năng lượng doanh nghiệp của mình, năng lượng của doanh nghiệp đang đi xuống hay đang đi lên, chúng ta là người rõ nhất!

Trung Đức
CEO MediaZ

Tags: , , ,