Những người sếp tử tế và cô đơn, bài học cho CEO

Getfly CRM – Hẳn mỗi người trong chúng ta sẽ mổ xẻ phân tích bài phát biểu của Mark tại Harvard dưới nhiều góc độ khác nhau: về việc nghĩ lớn, về việc xây dựng platform, về khát vọng và cống hiến. Bạn có tin rằng đằng sau những CEO vĩ đại là những người sếp tử tế và cô đơn. 

Còn tôi, tôi chỉ muốn mượn hai câu nói sau của “chàng khổng lồ” này để kể cho các bạn nghe hai câu chuyện nhỏ về quản lý (người sếp tử tế), đứng từ góc nhìn của một nhân viên “yêu sếp”:

1. “Các bạn nên đối xử tốt với mọi người”

2. “Có mục đích cho riêng mình không đủ. Các bạn phải khơi dậy ý thức về mục đích cho cả những người khác nữa”

Qua câu chuyện này, chúng ta có lẽ sẽ hiểu hơn về sức mạnh của sự tử tế và của việc khơi dậy ý thức về mục đích cho người khác (hay bài học về truyền thông nội bộ, nếu bạn muốn).

Hãy tin tôi, đó là hai quyền lực mạnh nhất, với mọi đối tượng, trong mọi hoàn cảnh.

Rất nhiều người, đặc biệt là gia đình và cả chính tôi đã từng hỏi tôi rằng, điều gì khiến tôi làm việc lăn xả vì AUF?

Mức lương hiện tại có khiến tôi phải vất vả như vậy không, nhất là khi tôi đã từng có hai cơ hội tốt hơn rất nhiều?

Tôi có thực sự bị áp lực đến mức phải thể hiện và khẳng định vị trí của mình mỗi ngày, mỗi giờ với sếp không?

Nếu tôi làm việc thêm, mức lương của tôi có tăng không? Và nếu tôi giảm tâm huyết với AUF, liệu tôi có bị trừ lương?

những người sếp tử tế làm nhân viên gắn bó hơn với doanh nghiệp
những người sếp tử tế làm nhân viên gắn bó hơn với doanh nghiệp

Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên là KHÔNG.

Thế thì điều gì đang khiến tôi yêu thương và gắn bó với nơi này nếu không phải là vì những người sếp mà tôi kính yêu.

Đầu tiên, hãy để tôi kể bạn nghe câu chuyện về sức mạnh của sự tử tế.

Tôi đầu quân cho AUF năm 2012. Khi chưa cống hiến được nhiều cho cơ quan, 5 tháng sau, tôi thông báo mình có bầu với suy nghĩ: “Thôi, vậy là xong sự nghiệp ở đây. Mình sẽ không được không được gia hạn thêm hợp đồng nữa”. Giai đoạn đó, tôi đã làm việc với một tâm trạng bất an, uể oải vì nghén cùng một thái độ vô trách nhiệm với suy nghĩ đằng nào mình cũng không ở đây lâu. Nghĩ lại, tôi thấy thật xấu hổ.

Thế rồi, trái với sự lo sợ của tôi, Olivier, sếp tôi khi ấy đã gọi tôi vào phòng, ân cần hỏi han tôi có mệt không. Olivier nói sẵn sàng cho tôi nghỉ ở nhà và làm việc từ xa, không phải đến cơ quan. Miễn sao công việc đúng tiến độ. Khi tôi gần nghỉ sinh, tôi đã nhận được lời đề nghị gia hạn hợp đồng. Điều này đã khiến tôi xin quay trở lại cơ quan sau 2 tháng nghỉ sinh, tức là sớm hơn 4 tháng so với dự kiến. Tôi quay lại và dốc lòng vì công việc với suy nghĩ rằng sếp tốt với mình như vậy, và sếp đang cần mình, mình không thể phụ lòng sếp.

Gần 1 năm sau, nhiệm kỳ của sếp cũ hết, chúng tôi có sếp mới, Sophie. Khi còn chân ướt chân ráo mới nhận nhiệm kỳ, Sophie đã phải đối mặt với thách thức mới: cơ quan thay đổi toàn bộ chiến lược.

Đây cũng là thời kỳ khó khăn mới của tôi. Tôi chưa quen phong cách quản lý của sếp mới. Tôi còn quá trẻ, quá ít kinh nghiệm về mọi mặt. Đám kiến thức trên ghế nhà trường mà tôi vẫn thường vênh vang khi mới đi học về hầu như chỉ ứng dụng được một phần nhỏ. Tôi có một đứa con vẫn đang tuổi ương ương, chưa cai sữa và hay cáu gắt về đêm. Vì một số lý do, tôi mắc chứng trầm cảm sau sinh dạng nhẹ. Tôi luôn mệt mỏi và khủng hoảng với những đêm mất ngủ, những deadline và những bản kế hoạch dang dở. Giọt nước làm tràn ly là ngày sếp gọi tôi vào phòng và mắng tôi té tát vì tôi có 4 lỗi chính tả trong bản báo cáo thường niên được đánh dấu là final version. Vứt bỏ mọi sự chuyên nghiệp chốn công sở và sĩ diện của cá nhân, tôi oà khóc và nói rằng mình khủng hoảng vì không thể quản lý thời gian, mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát.

Khi về chỗ đặt bút viết dòng cuối cùng của đơn xin nghỉ việc vì cảm thấy bất lực, thua cuộc, trong một phút bình tâm lại, tôi nhớ đến sự tin tưởng tuyệt đối mà người sếp cũ đã trao cho mình, về sự tử tế mà tôi đã được hưởng nơi đây. Tôi xoá toàn bộ tờ đơn xin nghỉ việc và thay bằng một lá thư ngắn, ngỏ ý xin lỗi vì những sai lầm và nhờ sếp giúp đỡ.

Vậy là sau đó, trong một chuyến đi họp, sếp mang từ Pháp về cho tôi một quyển sổ lịch. Mỗi tuần, sếp đều dành ra vài giờ để ân cần hướng dẫn tôi phương pháp tổ chức công việc, cách email giao việc cho các chi nhánh thế nào cho hiệu quả, dùng từ ra sao để thuyết phục người khác, kể cả phong thái thuyết trình thế nào cho tự tin.

Bạn hãy tưởng tượng xem, khối lượng công việc của một giám đốc khu vực nặng đến thế nào. Bà phải suy tính những dự án, những thoả thuận quan trọng cỡ nào. Vậy mà bà đã sẵn sàng dành vài buổi chiều một tuần chỉ để một nhân viên bé nhỏ có cơ hội trở thành một người tốt hơn chính họ của ngày hôm qua.

Chính vì những ơn nghĩa này, đã nhiều lần tôi sẵn sàng hi sinh lợi ích của cá nhân mình để phụng sự cơ quan, để trả ơn sếp.

Bạn có nghĩ những chế độ đãi ngộ, bảo hiểm, ngày phép hay những hợp đồng sòng phẳng với mức lương cao mua được sự biết ơn và trung thành này không?

Khi bạn tìm được câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên, tôi lại kể tiếp cho các bạn câu chuyện về việc khơi dậy mục đích cho người khác. Bởi sự tử tế là chưa đủ.

Ấy là giai đoạn chúng tôi lâm vào một loạt khủng hoảng trong quá trình thay đổi chiến lược. Các hoạt động, dự án mới trong giai đoạn chuyển giao còn chưa được đồng bộ hoá khiến lòng tin của các thành viên, đối tác và các quỹ đầu tư dần bị sụt giảm vì chưa hiểu được chiến lược mới. Tính chiến đấu của nhân viên uể oải, thái độ thiếu hợp tác, đối phó và “làm cho xong” do chỉ được giao việc mà mù mờ không rõ vì sao mình phải làm. Bên trên thì dội một loạt mệnh lệnh tương đối “bất khả thi” về việc triển khai chiến lược mới xuống văn phòng khu vực. Sophie, không hiểu có phải do stress kéo dài hay không, thường xuyên không nhìn mặt, chào hỏi và nói chuyện với nhân viên. Một số nhân viên bất mãn còn cho rằng sếp hành nhân viên làm việc vất vả, còn bản thân sếp tử tế thì nhàn hạ.

Những người sếp tử tế và cô đơn
Những người sếp tử tế và cô đơn

Một buổi tối mùa đông thứ 6, tôi quay lại cơ quan vì có một cuộc họp trực tuyến với các văn phòng khu vực khác. Khi ghé qua phòng Sophie, tôi thấy bà đang hút thuốc một mình, bất động nhìn ra sân sau của trường Dược và dường như đang suy nghĩ mông lung lắm. Sau làn khói, tôi thấy bà hốc hác, gầy rộc và cô đơn. Trong tôi lúc ấy dấy lên một sự thương cảm. “Tôi cần phải làm một điều gì đó”, tôi tự nhủ.

Ngày hôm sau, tôi viết một lá thư cho Sophie và chia sẻ chân tình rằng việc bà phải “chiến đấu” một mình như vậy là không đáng. Chúng tôi muốn giúp đỡ sếp. Nhưng trước tiên, chúng tôi cần hiểu sếp đang nghĩ gì, chúng ta sẽ đi đến đâu và làm sao để đi được tới đó. Chúng tôi cần tăng cường truyền thông nội bộ.

Người Sếp tử tế đã không trả lời email đó của tôi.

Nhưng sau đó, chúng tôi thấy một sự thay đổi rõ rệt. Những cuộc họp nội bộ ngoài những cuộc họp ban lãnh đạo diễn ra thường xuyên hơn, có cả sự tham gia của những nhân viên cấp thấp nhất, kể cả những cô bé sinh viên thực tập. Có những cuộc họp không phải để bàn bạc, giao chỉ thị. Người Sếp tử tế chỉ đơn giản muốn chia sẻ với chúng tôi rằng chuyến công tác vừa rồi sếp đã gặp những đối tác nào, kết quả ra sao, sếp đã ăn trưa, ăn tối với ai, tương lai chúng tôi có thể góp phần gì vào việc hiện thực hoá những thoả thuận đó. Những thoả thuận đó sẽ đem lại những giá trị tốt đẹp thế nào cho xã hội. Có những chia sẻ rất “con người” về việc mỗi thành viên ban lãnh đạo cảm thấy thế nào về chuyến công tác này.

Sau đó, một cách rất kỳ diệu, không khí làm việc của chúng tôi trở nên năng động hơn bao giờ hết. Mọi người thậm chí còn tự nguyện ở lại làm việc hăng say, kể cả trong kỳ nghỉ lễ hay khi đã hết giờ làm việc. Chúng tôi đều cảm thấy mình là một con ốc, một bộ phận quan trọng trong một cỗ máy khổng lồ, đẹp đẽ và có ích. Mỗi dự án, thoả thuận được một chuyên viên soạn ra không phải là một đầu việc phải làm trong tuần như xưa nữa. Đó là phương tiện đem cơ hội phát triển đến cho các bạn trẻ. Không phải là điều gì viển vông, mà là những trung tâm kỹ năng mềm, những khoá đào tạo miễn phí, những suất học bổng có khả năng thay đổi thậm chí cả cuộc đời và số phận của một người trẻ. Đó là những cầu nối của những cái bắt tay hợp tác vì một nền giáo dục đúng nghĩa. Đó là những dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao, thực sự giải quyết được những thách thức của xã hội,… Có những nhân viên thậm chí còn đóng góp được những ý tưởng xuất sắc mà sếp chưa từng nghĩ đến.

Người Sếp tử tế thực sự đã giúp chúng tôi nghĩ lớn hơn đồng lương bằng cách đặt chúng tôi lên cao bằng sếp để chúng tôi nhìn thấy rằng những gì chúng tôi đang làm thực sự góp phần tạo nên điều tốt đẹp cho cuộc đời này.

Bạn ơi, nếu bạn đang là lãnh đạo và chưa tin điều này, ngày mai, thay vì trăn trở mãi vì những khó khăn hiện tại trong công việc, bạn hãy thử những cách dễ dàng hơn xem:

– cười nhiều hơn với nhân viên của mình,
– dìu dắt và giúp đỡ họ,
– tin tưởng và đối xử tử tế với họ trong mọi hoàn cảnh,
– khơi dậy mục đích cho họ, minh bạch, rõ ràng về thông tin, giúp họ hiểu bạn cần họ và họ thực sự có thể làm được những điều vĩ đại hơn cả những gì họ nghĩ về khả năng của bản thân.

Dù bạn có đồng ý hay không, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển bản thân nhờ vào sự phát triển của người khác. Những CEO vĩ đại, những người sếp tử tế chắc chắn sẽ không bỏ qua điểm quan trọng này.

Để kết lại, tôi chúc thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn bằng cách mỗi cá nhân đều tốt đẹp hơn chính mình của ngày hôm qua, như Mark, như Olivier, như Sophie, như tôi và như bạn.

Ký tên: một nhân viên may mắn có được người sếp tử tế

Tác giả: Đỗ Hoàng Linh Nga

>>> Nếu chưa có “3 lạ” đừng vội khởi nghiệp

Tags: , ,